Đó cũng là chủ đề của tọa đàm di sản diễn ra vào ngày 03/08 vừa qua, tại số 2 Bến Bính, Tp Hải Phòng, dưới sự bảo trợ của Hội kiến trúc sư Hải Phòng, CLB KTS Trẻ Hải Phòng, CLB KTS HP & cộng đồng A+C phối hợp cùng CLB kí họa Hải Phòng tổ chức. Với sự tham gia của nhiều chuyên gia, KTS, nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa, bảo tồn, Tọa đàm: Chuyện nghề kiến trúc & di sản “Cửa Cấm – góc nhìn từ di sản” đã thu hút đông đảo khách tham dự là các KTS, sinh viên kiến trúc và những người quan tâm đến chủ đề chương trình.
Hải Phòng thời thuộc địa được người Pháp bố trí, quy hoạch ở những vị trí phù hợp, chủ yếu gắn với sông Cấm để tận dụng khả năng vận chuyển hàng hóa bằng đường sông. Các khu công nghiệp (quartier industriel) đều được bố trí dọc hai bên bờ sông Cấm. Là cuộc gặp gỡ chuyên sâu trên nhiều lĩnh vực, với góc nhìn đa chiều về quá trình phát triển đô thị của thành phố Hải Phòng, khu Cảng và các nhà máy, theo các chuyên gia tại tọa đàm, Di sản công nghiệp một thời của Hải Phòng đang có được những cơ hội trở thành những điểm đến – Không gian sáng tạo giàu sức hút cộng đồng.
Từ góc nhìn của một chứng nhân, đồng hành cùng quá trình phát triển của thành phố Hải Phòng, thông qua những nghiên cứu về lịch sử hình thành và phát triển Cảng Cửa Cấm tính từ mom Thủy Đội tới hết cảng Hoàng Diệu, Nhà nghiên cứu Phạm Tuệ cho biết: “Hải Phòng một đô thị hoàn toàn mới, hình thành vào thời kỳ cận đại và được hình thành theo cách riêng biệt, khác với phần lớn các đô thị ở Việt Nam. Người Pháp quy hoạch và xây dựng thành phố từ mặt bằng trống trơn nên thuận tiện cho việc quy hoạch chuẩn mực từ đầu. Cũng do được quy hoạch, xây dựng từ miền đất trống, nên khác với Hà Nội, Sài Gòn, ở Hải Phòng không phải phá đi những thành quách, công trình xây dựng cũ. Do vậy, không có xung đột trở ngại để xây dựng mới, đó sẽ là lợi thế rất lớn cho Hải Phòng.”
Tại tọa đàm, Nguyên viện trưởng viện Bảo Tồn Di Tích – KTS. Lê Thành Vinh cũng đưa ra một số những ví dụ đã thành công ở Paris, Hà Nội. Ông nhấn mạnh việc gìn giữ và bảo tồn phát huy di sản luôn cần được quan tâm hàng đầu trong đời sống văn hóa tinh thần đặc biệt với một đô thị đặc thù như Hải Phòng. Sáng tạo – gìn giữ – phá huỷ là 3 mặt của một vấn đề rất cần sự tinh tế của những người làm bảo tồn.
Trước những ý kiến của các chuyên gia, Chủ tịch hội KTS HP – KTS. Võ Quốc Thái bày tỏ: “Với sự hình thành và phát triển về quy hoạch đô thị thiết kế theo tiêu chuẩn hạ tầng của Pháp từ thế kỷ XIX. Qua các thời kỳ cùng với sự phát triển của thành phố và sự giúp đỡ về Quy hoạch của các nước tiên tiến. Hy vọng rằng tương lại đô thị Hải Phòng đặc biệt là Cảng Hải Phòng sẽ có những bước thay đổi chuyển mình theo hướng di sản văn hóa đô thị công nghiệp và cảng biển điển hình của Châu Á thế kỷ XIX.”
Cùng với chia sẻ từ các chuyên gia, tọa đàm cũng ghi nhận rất nhiều các ý kiến đóng góp từ các khách mời, KTS cùng thảo luận xoay quanh chủ đề gìn giữ và bảo tồn phát huy di sản – “Sứ mệnh của Di sản, hay là sứ mệnh của chính chúng ta”.
Một số hình ảnh tại tọa đàm
Đinh Hằng – TCKT.VN
© Tạp chí kiến trúc
Nhận xét