1.
Kiến trúc xuất hiện từ bao giờ?
Từ bao giờ nó thoát ra khỏi hoạt động xây cất để trở thành một nền nghệ thuật kiến tạo?
Từ bao giờ xuất hiện nhận thức kiến trúc nội thất, thoát ly khỏi sự nhất thể hoá, tưởng chừng tuyệt đối của nền kiến trúc?
Trong sự bất tách lìa ấy, nhận thức thế nào đây về vai trò, sứ mệnh của hoạt động nội thất, vừa mang bản chất chuyên biệt, lại vừa là một cấu thành hữu cơ, là phần mềm – đầu ra của mỗi sáng tạo kiến trúc?
Một nhận thức gốc rễ, cơ bản cần khẳng định: Nội thất là hàm số, đi ra từ kiến trúc công trình, tạo thành sự trọn vẹn và vẻ đẹp truyền dẫn cho thể khối tưởng như câm lặng.
Từ xa xưa thăm thẳm và qua suốt giai đoạn rèn đúc nền văn minh nhân loại kéo dài, căn nhà – nơi trú ngụ, đã định hình thành một mẫu hình kiến trúc bền lâu hơn cả, gắn kết thành một thể cả ngoài lẫn trong, nhằm, hoặc đối chọi hoặc chung sống, cùng Đất – Trời, làm bổn phận một công cụ phục vụ nhu cầu sống của con người. Hình thái kiến trúc và nội hàm của nó sản sinh ra từ nguyên vật liệu tại chỗ và bởi kỹ thuật xây cất thành thục qua thời gian. Nơi có đá – xếp thành nhà. Nơi chỉ có đất sét – đắp thành nhà. Có tre có gỗ – dựng thành nhà. Không có những thứ kể trên, ngoài cỏ – đem da bò và da cừu phơi khô, lợp và quây thành cái nhà – lều.
Trong cả 4 trường hợp ấy, cái vỏ kiến trúc và không gian bên trong, hợp phối thành Một.
Những ai từng đến phương Bắc xa vời, hẳn đã bước vào những căn nhà: Vách tường xếp chồng bằng gỗ nguyên thân, mái lợp gỗ chẻ, với cái lò sưởi ngự giữa nhà, với cái sàn lửng ôm lấy nó để sưởi ấm. Ngẫm từ đó, nhận ra: Đây đích thực là một sản phẩm kiến tạo, sản sinh bởi sự giải mã và tận dụng Thiên nhiên, mình được cấy vào.
Những ai từng đến những vùng thảo nguyên chỉ toàn cỏ tít tắp, hẳn nhận ra những căn lều tròn và trắng, hệt những bọt xà phòng. Chúng được cấu tạo bằng khung gỗ lắp ghép, phủ kín mít bởi da cừu hoặc da bò, bên trong đặt cái lò sưởi ở giữa, ống khói thông lên tận nóc, toả ấm đều ra xung quanh. Một sản phẩm kiến trúc, vừa nguyên sơ lại vừa thông minh đến ngỡ ngàng, nơi hình thái bên ngoài sản sinh tự nhiên hình thái bên trong.
Trên chặng đường tiến hoá chậm chạp kéo dài hàng ngàn năm, đồng thời cũng diễn ra chậm chạp quá trình chuyển hoá từ nền kiến trúc dựa trên kỹ thuật xây và cất sang nền kiến trúc không tách lìa khỏi thành tố thứ hai, trang trí và tô điểm. Nói theo ngôn ngữ thời nay, một kiến tạo kiến trúc cùng đảm nhiệm hai công năng: Một để phục vụ nhu cầu cuộc sống, một để phục vụ nhu cầu về cái Đẹp, tiếp theo là nhu cầu về sự Sang. Sự Đẹp và sự Sang được bố cục, được đắp và vẽ cùng một lúc trên mặt nhà, bên trong ngôi nhà và cả bao quanh ngôi nhà.
Những lâu đài, cung điện, thánh đường,… chính là hiện thân của sự tổng hoà của nghệ thuật kiến trúc. Ở thánh đường, nghệ thuật trang trí kiến trúc còn đảm nhiệm bổn phận, chuyên biệt và đặc biệt hệ trọng – Đó là sự “Thiêng liêng hoá” công trình xây dựng. Từ xa xưa, nền kiến trúc bổ sung thêm hai địa hạt hoạt động:
a/ Tổ chức và tô điểm không gian bên trong toà nhà,
b/ Tổ chức và tạo cảnh không gian bao quanh nó.
Hoạt động thứ hai nay gọi là tạo cảnh hoặc nghệ thuật tạo cảnh. Những đỉnh cao của lĩnh vực này là những cung điện – công viên Versailles và Petergof ở Pháp và ở Nga.
Hoạt động thứ nhất nay gọi là nội thất, theo cách hiểu bao trùm.
Không mấy khi nhắc tới ngoại thất, được hiểu là sự tô điểm mặt đứng ngôi nhà. Ấy vậy, ở ta thời nay khá thịnh hành trào lưu “hoá trang” kiến trúc theo kiểu cách Âu châu dăm ba thế kỷ trước. Hoá ra, kiến trúc cũng có thể huy động vào lễ hội hoá trang.
2.
Thử ngoái nhìn và ngẫm về nội thất trong kiến trúc cổ truyền của người Việt. Người viết chủ ý dùng tính từ “cổ truyền” mà không phải tính từ phổ biến “truyền thống” – Bởi nó hàm tích hơn cả cái bản chất xương cốt của nền kiến trúc Việt, của cái tinh thần mà ta thấu và cảm ở nó.
Thành quả rõ và đậm hơn cả của nền kiến trúc cổ truyền Việt là: Căn nhà gỗ, cái làng và con phố.
Căn nhà gỗ là sản phẩm bản sắc và đặc sắc hơn cả. Nó đích thực đi ra và sản sinh bởi điều kiện – tài nguyên – khí hậu – môi trường sinh thái hoá, bởi cộng đồng xã hội nông nghiệp và phong kiến bền lâu, bởi kỹ thuật dựng nhà duy nhất phù hợp từ vật liệu sẵn có và lưu truyền bằng kinh nghiệm hơn học thuật. Từ những xuất phát điểm gốc rễ nêu trên, nảy sinh – sàng lọc rồi tinh thể hoá cái cảm thức, cái mỹ cảm truyền đời truyền kiếp của ông cha ta đối với căn nhà gỗ.
Dù là căn nhà để ở, để tụ họp, để thờ cúng,…Nhất nhất đều là những nếp nhà 3, 5, 7 gian – Dựng trên hệ cột, không có móng, hợp kết không gian bằng xà ngang xà dọc, bằng kè, bằng vì và hệ mái. Cái đẹp và cái quý thể hiện ở khúc gỗ, ở sự gia công chúng, ở mộng mẹo, ở các dường soi, ở chạm viền hoặc chạm lọng ngay trên các thành phần chịu lực…Những bức cốn, ván nong đặt ghép vào hệ kết cấu, không làm suy xuyển tính chủ đạo của cấu trúc chịu lực, không làm giảm vẻ đẹp, chân và mộc, đi ra từ nó.
Bài trí trong nhà tối thiểu hoá. Ở gian giữa, trang trọng hơn cả, đặt bàn thờ gia tiên. Ở đình làng, phần thờ đặt trên gác lửng ở gian giữa, sự linh thiêng nhấn mạnh bởi cửa võng. Ở chùa, tam bảo đặt ở trục giữa hay hậu cung, có bệ đặt các pho tượng, có hoành phi và đại tự. Kỹ thuật trang trí sơn thếp, sơn son thếp vàng, chỉ thể hiện ở gian giữa đình, ở tam bảo chùa và dày đặc hơn ở các ngôi đền. Hầu như không thấy hiện tượng sơn phủ toàn phần.
Kiến trúc cổ truyền Việt thiên về sự coi trọng tính tự nhiên, thể hiện ở mọi trường hợp. Chẳng hạn, ưu tiên không gian thông thoáng và thống nhất hơn không gian ngăn cách chia nhỏ. Chẳng hạn, nền nhà không lát mà để đất nện, trong khi đó, sân trước lại lát gạch. Trong chiều hướng suy nghĩ này, người Việt ưa dùng rau sống hay luộc, tránh sự pha chế làm mất vị tự nhiên.
Đồ gia dụng, cấu thành một phần động của nội thất theo cách hiểu hiện đại, cũng toàn làm bằng gỗ và tre trồng tại khuôn viên nhà mình hay tậu ở chợ gần: Cái chõng, ván ngựa, manh chiếu da năng, cái chạn, nong nia, thúng mủng, chum vại,… Nhà nào sẵn tiền, dùng sập gụ, tủ chè và tràng kỷ để mộc hoặc khảm nạm.
Ở cố đô Huế, dưới triều đại phong kiến cuối cùng, vẫn bảo lưu một tài nguyên – di sản kiến trúc và đồ vật nội thất biểu hiện độ chín muồi, tính chất cung đình, và không nên ngại ngần mà nói, đạt đỉnh cao về phẩm chất tinh hoa. Nghệ thuật kiến trúc và nghệ thuật trang trí của các triều Lý – Trần và Hậu Lê có lẽ là cùng từng đạt những đỉnh cao, song hầu như không để sót lại những dấu tích vật chất. Tan biến cả.
Quay trở lại với nền kiến trúc và mỹ thuật (tạm gọi là như vậy) cổ truyền của người Việt, ta có thể đúc kết: Thiên nhiên, lịch sử, kinh tế, xã hội, mê tín và những đặc điểm nhân học đã hun đúc nên mẫu hình kiến trúc cư trú, với sự hiện thân của căn nhà tạo tác nên bởi vật liệu hữu cơ, gỗ – tre – lá, cùng phần mềm của nó gồm đồ đạc và dụng cụ sinh hoạt, trong môi trường nhà – vườn khép kín, duy trì lối sống khép, tự cung tự cấp. Cái kiến tạo cư trú muôn thuở ấy sản sinh bởi tư duy thiên về tính thiết thực, sự nhún nhường với thiên nhiên Đất – Trời, thói quen chắt chiu và tinh thần chịu đựng. Người Việt cổ truyền trong tư duy và trong thẩm mỹ xây dựng đề cao tính chắc bền của cấu trúc căn nhà, vẻ đẹp tự thân của vật liệu, chừng mực trong trang trí, chuộng vẻ đẹp thô mộc, thiên về sự giản tiện.
Ngẫm nghĩ, nhận ra bản chất sâu sa giữa căn nhà cổ truyền của cha ông mình có gì đó mật thiết với bộ đồ nâu, với câu ca dao.
3.
Từ cuối thế kỷ 19, trong hoàn cảnh chính trị biến đổi một cách cơ bản, nước ta bước vào không chủ động cuộc hội nhấp quốc tế lần thứ nhất, theo cách nhìn nhận thời nay. Trong lĩnh vực xây dựng và kiến trúc, diễn ra một cuộc chuyển đổi cơ bản: Từ công trình “dựng” sang công trình “xây”. Bên cạnh sự xâm nhập của nền kỹ nghệ cùng nền xây dựng hiện đại và khác biệt, không thể không nhận ra hai biểu hiện thực sự mang tính chất đổi đời; Đó là ngôi nhà lầu cùng những tiện nghi sống kèm theo nó. Nước máy, đèn điện và quạt máy và không kém phần hệ trọng hơn, là bộ xa lông cùng giường tủ. Sự tiện lợi trông thấy, song đáng nhận biết hơn cả là sự “mềm” hoá nơi ngồi và nơi nằm, với những cái đệm. Sự khắc khổ, chưa bao giờ được nói ra, từ những đồ gỗ làm bằng tre và gỗ, biến mất.
Vào những năm thuộc nửa đầu thế kỷ 20, ở các đô thị lớn dần dần xuất hiện và định hình những kiểu cách đồ gia dụng, kế thừa và Việt hoá những khuôn mẫu có nguồn gốc Trung Hoa và Pháp. Cũng ở thời gian đó nảy sinh những nỗ lực ít ỏi, – Á Đông hoá, Việt hoá, kiểu nhà lầu Tây.
Ở những thập niên thời bao cấp, lu mờ và biến dần hình ảnh nhà lầu đô thị, với những bộ tràng kỷ sập gụ tủ chè, những bộ xa lông tân thời. Nơi cư trú và nội hàm bên trong mang khuôn mặt khắc khổ – Tiện nghi tối thiểu, giản tiện tối đa. Thời bao cấp để lại hai sản phẩm kiến trúc đặc trưng – Đó là những tòa nhà công sở biểu hiện sự đề cao công năng sử dụng và sự đoạn tuyệt với trang trí và phô trương. Đó là hàng trăm nhà ở tập thể lắp ghép, phản ảnh sự tuyệt đối hóa một tư tưởng cao đẹp, song bất khả thi – Về cung cấp chỗ ở miễn phí.
Từ những năm 90 thế kỷ qua, đất nước bước vào giai đoạn phát triển bứt phá mà không một học thuyết xã hội nào đủ sức kìm níu. Thị sở hơn cả là sự bùng nổ và thịnh phát xây dựng và kiến trúc: Quy mô, tân tiến, quốc tế hóa, khang trang; cái đẹp và sự sang ngày càng bộc lộ rõ. Nền kiến trúc đa dạng lên, chất lượng và tiện nghi cao hơn, đắt đỏ và đẳng cấp lên, hiển nhiên dẫn tới nhu cầu không dễ bề đáp ứng, đẹp. Đó là cái đẹp của diện mạo đô thị và làng quê, cái đẹp của kiến trúc công trình, cái đẹp bên trong của chúng. Định hình và bổ túc dần khái niệm nội thất, không chỉ nhằm tạo ra cái đẹp, mà còn nhằm tổ chức, sắp xếp và tối đa hóa đòi hỏi về phát huy không gian. Từ thiết kế công trình đi kèm thiết kế triển khai nội thất, đến thiết kế nội thất độc lập cho những công trình cải tạo, chuyển đổi chức năng, đến các công trình chuyên dụng và đặc biệt. Hình thành một địa hạt chuyên môn mới – Thiết kế nội thất, KTS nội thất, rồi ngành kiến trúc nội thất, vật liệu nội thất, nghề làm nội thất.
Nội thất, song cùng kiến trúc, tiến bước dài, đang đứng cả hai chân trong hiện đại hóa, quốc tế hơn và tìm kiếm cái riêng, như một lộ trình tự nhiên.
Trong sự đẹp và sang lên của nội thất kiến trúc, không tài nào tránh khỏi sự nhận ra: Nền kiến trúc hôm nay, đặc biệt là nội thất, bộc lộ rõ ràng và thách thức, một hiện tượng xã hội, tạm gọi một cách khoa học là Chủ nghĩa Hình thức, nói nôm na là trào lưu phô trương. Cái đẹp bị lấn át bởi nhận thức thiên lệch về cái sang. Cái sang không tương thích với sự giàu lên của quốc gia và xã hội.
Điều này dễ nhận ra hơn cả ở hai thể loại kiến trúc: Công sở và nhà ở. Phổ biến hình ảnh kiến trúc công sở dạng mô phỏng cung điện, dĩ nhiên thô thiển hơn, với những đại sảnh và phòng nghi thức lộng lẫy đến khó hiểu, với những bộ đồ gỗ khuếch trương bởi kích thước và bởi chạm đục. Nhà ở, đô thị và nông thôn, xây biệt lập hoặc liền kề, thiên về xu hướng nhại cổ có nguồn gốc Âu châu, phần đắp lấn lướt phần xây, với sự bài trí bên trong nặng về phô hơn dụng. Trong cả hai trường hợp ấy, con người – công chức và con người – chủ nhân, những cơ ngơi ấy đã làm chủ đích thực chưa, hay chỉ làm chủ cái sự vay mượn?
Những câu hỏi đang đặt ra: Tính ích dụng và tính kinh tế; mối liên quan giữa xu hướng phô trương và với cảm thức truyền thống Việt ta; giữa quy mô kích cỡ và đặc điểm nhân học; giữa sự phung phí tài nguyên Trời cho với sự báo động về hữu hạn trông thấy… Những câu hỏi khó tìm lời đáp hơn về thước đo Chừng mực – Chừng mực trong việc dùng, trong việc hưởng. Khái niệm này mang bản chất Văn hóa.
Chớ biến nơi ở thành cửa hàng bách hóa.
Chớ biến nơi làm việc thành chỗ phô trương.
Sự thừa bứa đáng sợ hơn sự thiếu.
Sản phẩm nội thất tốt nhất khi, ở trong đó, ta cảm nhận cái đẹp, cái sang và cái riêng tự nhiên.
GS.TS.KTS Hoàng Đạo Kính
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 5-2024)
Nhận xét