Theo Đại Việt Sử ký Toàn thư, Lý Nam Đế (541 – 547) sau khi lên ngôi lập ra nước Vạn Xuân – Mong cho đất nước và lương dân mãi mãi ấm no hưởng vạn mùa xuân. Ngài có tên Lý Bí, còn gọi Lý Bôn, sinh ngày 12-9-503, quê huyện Thái Bình, phủ Long Hưng. Cũng có tài liệu nói rằng ngài sinh tại ấp Thái Bình, lộ Sơn Tây. Chắc chắn cái tên Thái Bình và Long Hưng người chép lại sử đời sau mới thêm vào, còn thời Lý Nam Đế hai tên địa danh này chưa xuất hiện.
Qua một số bài viết cũng như chuyện dân gian truyền miệng đã kể, Lý Nam Đế quê ở tỉnh Thái Bình. Trong thực tế cách đây gần 1500 năm, Thái Bình vẫn còn là mênh mông biển rộng, mãi đến thế kỷ mười chín mới xuất hiện. Lại có người kể Lý Bí quê ở Giang Xá, Đức Giang, Hoài Đức, Hà Nội. Đây cũng chỉ là sự suy diễn, vì ở Giang Xá có thờ Lý Bí. Người ta cho rằng rằng thuở những năm đầu của thế kỷ thứ sáu, ngài có tu hành ở đây. Một tài liệu khác ghi Lý Bí quê ở Tây Mỗ, vì ở đây có đền thờ Ngài. Trong một tài liệu của thày giáo làng sau khi đến làng Cổ Báng, Xã Triều Phong, Phổ Yên thấy có ngôi chùa thờ Lý Bí. Ngôi chùa này, khi Ngài còn nhỏ đã đến đây làm tiểu, học võ, học văn và học làm nghề bốc thuốc. Ngôi làng này nằm bên con sông Dã và sát làng Năng Bắc, Năng Trung ghép thành làng Dã Năng. Thực tế thời Lý Nam Đế xưng vương, tên Dã Năng chưa xuất hiện. Mãi sau này trong sử có ghi thời Nhà Lương có tên Vương Quốc Dã Năng, nhưng địa chỉ của nó không biết ở đâu và chắc chắn không phải ở Phổ Yên Thái Nguyên.
Trong toàn bộ khu vực đồng bằng Bắc Bộ, có đến 200 địa danh thờ phụng Lý Nam Đế. Nếu cứ theo như sách suy diễn thì Ngài có đến 200 quê hương, đó là điều hoàn toàn không đúng. Vậy Lý Bôn sinh ra ở đâu còn là điều bí ẩn cần tiếp tục nghiên cứu.
Được nhà soạn giả kịch chèo, nguyên là Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Tây giới thiệu cho nghe về cuốn “Sách Đồng Ngọc Phả đình Phù Lưu Thượng, xã Phù Lưu, huyện Ứng Hòa. Vào một ngày cuối xuân, hoa gạo dọc triền sông Đáy chỉ còn lác đác những bông hoa màu lửa đậu lại trên cành, mưa xuân nhẹ bay, chúng tôi tổ chức chuyến hành hương về quê nghệ sĩ Xuân Cung để tìm hiểu về cuốn sách Đồng Ngọc Phả.
Hiện tại, Đình Phù Lưu Thượng lưu giữ cuốn sách đồng gồm 14 trang, được đục lỗ đóng lại thành một cuốn sách. Kích thước cuốn sách 14 x 20 cm với 1560 chữ. Cuốn sách mang tên “Phù Lưu xã, Thượng thôn Thần Tích Cổ Lục”. Nội dung cuốn sách được chép lại từ nguyên bản do Đông Các Đại học sĩ Nguyễn Bính viết vào năm Hồng Phúc nguyên niên (1572). Sau đó được quan Quản giám Bách Thần Nguyễn Hiền chép lại và bổ sung vào năm Vĩnh Hựu tân niên 1737. Năm Bảo Đại thứ 13 triều Nguyễn (1938), Đông A Thực Tử soạn khắc từ bản gốc và hoàn thành vào năm thứ 17 (1942). Cuốn sách đồng nội dung tóm lược như sau: Lý Nam Đế húy là Bí ở xã Xuân Quả (cũng có người dịch là Đông vì chữ “Quả” và chữ “Đông” trong chữ Hán gần giống nhau nên dễ nhầm Xuân Quả thành Xuân Đông) huyện Thiện Tài, phủ Thuận An, đạo Kinh Bắc. Vua là người thông minh duệ trí, đức độ khoan hòa, trung lương minh mẫn; trong tu sửa văn đức, ngoài củng cố biên cương, dốc ý hưng bình, để yên ổn trong nước, đời đời được ca ngợi là bậc thánh minh.
Lại nói, thời ấy quốc gia vô sự, thiên hạ thanh bình; muôn dân đàn sáo, điền hải thái hòa; thời xuân thiên hòa khí, hoa nở khắp nơi, người người ngày đẹp, tìm nơi đế tử tiên ông, tha hương cố quốc. Khi ấy, Vua hay nghe ở huyện Hoài An, phủ Ứng Thiên có động Hương Tích, phong cảnh đệ nhất trời Nam. Ngày 12 tháng 3, Vua xa giá cùng bách quan du phong cảnh. Khi ấy nước hưởng thanh phong lăn tăn trong chốn mênh mông, níu đeo trăng sáng tản bộ dưới dòng. Một hôm đến động Hương Tích, thạch nhũ trong động xán lạn hòa quang huy hoàng. Vua hội quần thần chỉnh biện trai nghi, thành kính hành lễ bái tạ Phật tiền.
Đến đêm, Vua ngồi trong động, thiêm thiếp mơ màng, bỗng thấy thần nhân từ trong động đường đường đến trước mặt, mới đọc thơ rằng:
“Tú khí chung linh tuy mạch nhỏ
Phù Lưu đất ở tại nơi này
Nếu Vua dung nạp đất ấy
Sau này nhất định sinh quế tử lan tôn”
(Con như cây quế cháu như cây lan ý chỉ con cháu được vinh hiển)
Thần nhân ngâm xong thì bay lên trời. Vua tỉnh lại mới biết bốn câu thơ tặng của thần nhân tất là điềm lành. Vua xa giá cùng bách quan trở về. Đến Phù Lưu, nhân dân phụ lão sửa lễ tam sinh rất lớn để hành lễ xa giá. Vua lưu lại rong chơi cùng hào mục phụ lão.
Thời ấy, ở bản ấp có người họ Nguyễn, húy là Uyên Công, lấy vợ là Hoàng Thị Ngoạn. Vợ chồng tuổi ngoại tứ tuần, mơ thấy nuốt mặt trăng, có mang mà sinh ra một người con gái nhằm ngày 12 tháng 2. Sau một ngày mới đặt tên là Phương Dung. Nàng không cần huấn giáo mà tự có quy mô, không học mà tự biết tứ đức đủ đầy, có vẻ đẹp chim sa cá lặn, có dung mạo nguyệt thẹn hoa nhường. Hôm ấy, Nguyễn Công thấy Vua ngự đến tức ngày 12 tháng 3 mới đem nàng Phương Dung tiến Vua. Vua nhìn thấy trong lòng rất vui, ban thưởng ba hốt hoàng kim để làm sính lễ, đón về kinh sư, lập làm đệ nhất Cung phi. Khi Cung phi có mang rồi Bà sinh con trai, tướng mạo đường đường, uy nghiêm lẫm liệt, mặt vuông, trong tai có chữ: “Đế Vương Đại Vương”. Vua rất vui, mới đặt tên là Đế Vương Hoàng Tử. Đến lúc lớn theo học Liên Hoa tiên sinh. Trải qua 6 năm thì văn chương xuyên thấu, võ nghệ toàn tài; trên thông thiên văn, giữa tỏ nhân luân, dưới tường địa lý; kinh điển Khổng Mạnh, tứ khoa tam truyện vạn quyển đều thông; thao lược Tôn – Ngô thành thạo. Khi ấy, Hoàng Tử đang lúc học, Tiên sinh thường ca ngợi rằng: Nhà Đế Vương này có phúc chỉ gì, nếu người văn võ kiêm toàn thì sẽ là người kế nghiệp.
Lại nói khi ấy ở phủ Hà Trung, đạo Ái Châu có quan lang phụ đạo tên là Ngụy Khắc Huy và Ngụy Khắc Hùng khởi 5 vạn nghĩa binh, 3 ngàn thuyền chiến cướp bóc dân lành. Vua lập tức triệu Hoàng tử Đê Vương đem 3 vạn tinh binh, hơn một ngàn thuyền rồng. Khi ấy, Hoàng Tử Đê đem chiến thuyền đến bến đò Phù Lưu Thượng, huyện Hoài An, phủ Ứng Thiên gặp phục binh của giặc. Hoàng tử lập tức hạ chiếu truyền hịch. Anh hùng hào kiệt bốn biển đồng tâm giúp nước đánh tan quân giặc. Khi ấy ở trấn Lam Sơn, huyện Thụy Nguyên, phủ Thiệu Hóa đạo Thanh Hóa có nhà họ Lê, tên là Ngũ Lộ công, người cao bảy thước, văn võ kiêm toàn, sức địch vạn người. Ông tướng mạo kỳ dị hơn người, khí giới tinh nhuệ, ra mắt Hoàng tử. Hoàng tử mới hỏi đã thấy kỳ tài dị thuật. Lộ Công mới tấu đối thiên kinh vạn quyển, thấu suốt mọi chỗ. Hôm ấy ông bỗng nổi chí tang bồng ham tâm cung thi thấy giặc như vậy tựa thấy một cái hồng mao. Lộ Công nghe thấy chiếu của Hoàng tử, mới đốc thúc 3 ngàn tráng sỹ đạo Thanh Hóa nội tấu yết Hoàng tử, Hoàng tử vui mừng coi như huynh đệ đồng bào. Nói rằng: Trời sinh Hoàng ta tất sinh hiền tướng, ta may có được ngài. Hoàng tử lập tức phong cho Lộ Công là Thống chế kiêm Ngũ Lộ Hiệp Thống đại thần đốc lãnh Long Chu Thủy Đạo. Đã ba năm, hơn năm mươi trận, trảm được đầu chánh tướng, quân giặc đại bại tan tác. Sau khi bình định xong, Vua nghe kể lại rất vui bèn ban chiếu triệu ba quân đến Thượng thôn, xã Phù Lưu, phụ lão hào mục biện lễ trọng hành lễ chúc mừng hai ông. Hai ông mở tiệc khao ba quân tướng sĩ, nhân dân phụ lão cùng đến yến ẩm hát ca, lúc ấy Hoàng tử bèn làm bài thơ rằng:
“Một nhà tụ hội mấy tinh thần
Vạn cổ khói hương tại xã dân
Tuy có rượu ngon cùng vui hưởng
Tình cùng Lưu – Thượng ức vạn xuân”.
Ngâm thơ xong, Hoàng tử mới dâng biểu tâu với Vua xin cho mẫu tử đại thần được hưởng ngụ lộc. Vua bút phê đồng ý. Hoàng Tử cho xây dựng sinh từ, cung hội đồng và cấp 3 hốt hoàng kim để cúng lễ và tu sửa rồi trở về cung bái tạ Vua. Vua khen rằng: Thật xứng con ta, thật xứng con ta Vua liền truyền bách thần và gia phong:
- Gia phong Cung phi là Phương Phi Hoàng Hậu;
- Gia phong Hoàng Tử làm Hồng Thuận Đê Vương Đại Vương;
- Gia phong Lộ Công làm tổng thống đại thần.
Khi ấy hoàng hậu hơn 60 tuổi bị bệnh mà mất, Vua và Hoàng tử vô cùng xót thương. Vua sai Hoàng tử và
Lộ Công đón về Hương Quán tức xã Phù Lưu dựng miếu lăng. Hiện miếu lăng tại cánh đồng Phù Lưu Thượng vẫn còn nguyên gốc tích.
Sau khi bà Hoàng hậu Phương Dung mất, Đê Đại vương và Lộ Đại vương cùng chịu tang và giữ lăng ở Phù Lưu Thượng 3 năm, 49 tuần chay tận báo đức cù lao. Việc hiếu đã xong, Hoàng tử và Lộ Công xin Vua cho nhàn du phong cảnh, thăm ngắm núi sông. Một hôm, Đê đại vương và Lộ Đại vương cùng lên núi, bỗng thấy một trận cuồng phong, thấy một thiên sứ mình mặc áo đỏ, tay cầm cờ xanh triệu hai ông về. Thiên sứ nói xong, Hoàng tử và Lộ Công thấy người mơ màng, hét liền 3 tiếng rồi cùng hóa tức vào giờ Ngọ ngày 12 tháng 11 năm Giáp Thìn. Vua thấy vậy, sắc xuống cho nhân dân phụ lão Phù Lưu cùng ra Hội đồng hành lễ, phụng viết húy tự thần hiệu phụng thờ:
- Đệ nhị vị Hồng Thuận Đế Vương Đại Thần Vương;
- Đệ Tam vị Kiêm Tri Ngũ Lộ Đại Vương;
Lại nói, đến các Triều Đinh, Lê, Lý, Trần, Lê cầu đảo đều có anh linh hiển ứng. Trải qua các đời đều được tiến phong mỹ tự Thượng Đẳng thần, thờ cúng muôn đời mãi cùng đất nước.
Năm Vĩnh Hựu triều Lê, Hoàng đế gia phong ba chữ chuẩn cho Thượng thôn xã Phù Lưu, huyện Hoài An phủ Ứng thiên phụng thờ.
- Gia phong Đệ nhất Vị Thánh Mẫu Hoàng Thái Hậu Phương Thi Trinh Tiết Từ Hòa Cẩn Trang Nhân Uyển Quận Phu Nhân Đại Vương.
- Gia phong Đệ Nhị Đương Cảnh Thành Hoàng, Hồng Thuận Đê Vương Đại Vương Phụ Quốc Tế Thế An Dân Hùng Tài Vĩ Lược Anh Linh Cương Nghị Thần Vũ Thánh Văn Thông Minh Chính Trực Khoan Hậu Từ Nhân Điều Nguyên Tán Hóa Bảo Quốc Hộ Dân Trừ Tai Tích Huống Thịnh Đức Long Cần Đại Vương.
- Gia phong Đệ Tam Vị Đại Vương Cảnh Thành Hoàng Kiêm Tín Ngũ Lộ Phù Quốc Dực Vận Hiển Ứng Uy Linh Đại Vương.
Đình Phù Lưu Thượng đang lưu giữ cuốn sách đồng chế tác từ bản gốc cổ xưa ngót 500 năm, một cuốn sách quý độc nhất vô nhị tại Việt Nam mang nhiều ý nghĩa tâm linh và lịch sử. Ngôi đình hiện được Nhà nước xếp hạng Di sản cấp Quốc gia, nhân dân thành kính tôn thờ và thường xuyên được tu bổ bảo tồn.
Lý Nam Đế là vị Vua anh minh – Người dựng lên nước Vạn Xuân. Tuy Vương triều tồn tại không dài, từ năm 541 đến năm 547, nhưng người đã để lại tiếng thơm cho muôn đời con cháu hậu thế. Chẳng thế mà cả khu vực Đồng bằng Bắc Bộ có tới gần 200 nơi phụng thờ Người. Nhiều nơi đã tự nhận Người được sinh ra từ quê hương mình, trong khi lúc sinh thời vùng đất ấy chưa xuất hiện trên bản đồ. Cũng có nơi chỉ căn cứ vào tên của một trang ấp mà gọi chung thành một tỉnh hoặc trấn nơi Người sinh ra. Lại còn có nơi lấy nơi tu hành của Người làm quê hương, tên quê hương ấy ghép bằng tên làng với con sông thì chẳng hiểu có cơ sở nào.
Nhưng nếu nhận định một cách khách quan như trong cuốn sách đồng tại đình Phù Lưu Thượng được chế tác từ nguyên bản thế kỷ 16 do Đông Các Đại Học Sỹ Nguyễn Bính phụng soạn “Cổ Lục Thần Tích Thượng thôn, Phù Lưu xã” thì Lý Nam Đế được sinh ra tại xã Xuân Quả huyện Thiện Tài (nay là Lương Tài) phủ Thuận An (nay là Thuận Thành) đạo Kinh Bắc (nay phần lớn đất này thuộc tỉnh Bắc Ninh). Qua nghiên cứu dư địa chí xưa và của Bắc Ninh cũng như các tỉnh khác liên quan đến Lương Tài Thuận Thành và Kinh Bắc đều không tìm thấy Xuân Quả mà chỉ thấy thôn Chí Quả thuộc huyện Thuận Thành và làng Cổ Bản nay là làng Đình Bảng, Từ Sơn, Bắc Ninh. Có lẽ năm tháng trải dài 1500 năm, Xuân Quả đã được chuyển danh khiến đời sau không thể nhận biết được. Trộm nghĩ Lý Nam Đế và Lý Thái Tổ có thể cùng chung một cội nguồn, một đồng tộc. Biết đâu Xuân Quả chính là Đình Bảng (tên cổ là Cổ Pháp hay Cổ Báng trên bờ sông Tiêu Tương xưa) cũng nên. Sự suy kiến có vẻ không xác thực và có phần dễ dãi. Mặt khác do hạn chế về kiến thức, tầm hiểu biết không sâu nhưng hoàn toàn logic của người viết rất mong được lượng thứ và cho phép mở lòng tri ân cũng như mong sự đóng góp ý kiến của mọi người.
Đề nghị những cơ quan có thẩm quyền cần tổ chức cuộc khảo sát, nghiên cứu một cách khoa học về vấn đề này.
KTS Nguyễn Địch Long
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 5-2024)
Nhận xét