Ngày 28/6/2024, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Thủ đô (sửa đổi), trong đó có nội dung Quy hoạch Thủ đô, Quy hoạch chung Thủ đô phải bảo đảm xây dựng Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại, phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, an ninh nguồn nước với sông Hồng: Tạo cơ hội lớn để phát triển không gian công cộng Hà Nội.

Luật Thủ đô cho phép xây dựng các công trình phù hợp với quy hoạch đê điều và quy hoạch khác có liên quan

Điều 17 Luật Thủ đô [1] “Các khu vực bãi sông, bãi nổi còn lại được phép xây dựng các công trình dành cho không gian công cộng, công trình phục vụ mục đích công cộng nhưng không tôn cao bãi sông, bãi nổi để đảm bảo yêu cầu không làm cản trở dòng chảy.”. Liên quan thực thi nội dung này có các Quy hoạch phòng chống thiên tai và Thủy lợi, Quy hoạch phòng, chống lũ, đê điều hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình, sông Đáy đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. “Quy hoạch vùng đồng bằng sông Hồng thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050” [2] “Quy hoạch vùng đồng bằng sông Hồng thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050” [3]

Đề xuất làm đường trên cao kết hợp với gia cường đê và mở rộng không gian trữ nước kết hợp với công viên bờ sông, bãi nổi sông Hồng tạo ra hàng trăm km2 không gian cây xanh mặt nước, không gian công cộng giá trị

Để đảm bảo lưu thông dòng chảy, phải bỏ các đề xuất xây dựng công trình gây cản trở dòng chảy, như liệt kê trong khoản 3 điều 32 Luật Thủ đô “UBND TP Hà Nội quyết định: Hình thức sử dụng, khai thác quỹ đất nông nghiệp ở bãi sông, bãi nổi ở tuyến sông có đê để sản xuất nông nghiệp, sản xuất nông nghiệp sinh thái kết hợp tham quan, giáo dục trải nghiệm, du lịch trải nghiệm bảo đảm nguyên tắc việc xây dựng trên đất nông nghiệp ở bãi sông, bãi nổi ở tuyến sông có đê phải phù hợp với quy hoạch phòng, chống lũ của tuyến sông có đê, quy hoạch đê điều, quy hoạch xây dựng được cấp có thẩm quyền phê duyệt;”. Diễn giải những quy định này theo quy luật vật lý: Tác động của vật thể với dòng chảy của nước thì các không gian, công trình phục vụ mục đích công cộng ở đây được hiểu chỉ là giữ nguyên cao trình hiện trạng, không tôn cao, san lấp mà chỉ tạo ra những bề mặt bằng phẳng, hay những chi tiết kiến trúc nhỏ, có độ mảnh, không tạo nên những khối tích bất kỳ kích thước nào để đảm bảo dòng chảy được lưu thoát. Những quy định của Luật Thủ đô cũng loại bỏ những nội dung trái với quy hoạch đê điều và Luật Thủ đô có trong dự thảo Quy chế quản lý kiến trúc TP Hà Nội. “… Tại bờ tả sông Hồng, ngoài các khu dân cư hiện hữu thấp tầng được phát triển thành các khu chức năng đô thị nhà ở đa dạng loại hình từ thấp tầng đến cao tầng tạo điểm nhấn cho toàn bộ không gian cảnh quan sông Hồng cùng các công viên sông đô thị hai bên bờ sông Hồng và bãi giữa”. [4]

Xây dựng tuyến đê mới và khu dân cư tại đâu để cân bằng lợi ích Đất – Nước bền vững lâu dài?

Điều 17 Luật Thủ đô: “Cho phép xây dựng các tuyến đê mới dọc theo hành lang thoát lũ để khai thác hiệu quả quỹ đất xây dựng. Trong khu vực hành lang thoát lũ được phép tồn tại một số khu vực dân cư hiện hữu và được phép xây dựng mới với tỷ lệ thích hợp theo quy hoạch phòng, chống lũ được duyệt”. Luật Thủ đô định hướng lập Quy hoạch chung Thủ đô, để sông Hồng trở thành “Trục xanh, cảnh quan trung tâm, phát triển đô thị hài hòa hai bên sông của TP” thì yêu cầu tiên quyết là đảm bảo sông Hồng có đủ không gian cho nước chảy và nước phải sạch. Nhiệm vụ này được xác định trong “Quy hoạch vùng đồng bằng sông Hồng thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050” có nội dung: “Xây dựng các công trình để dâng mực nước trên sông Hồng tại hạ lưu cống Xuân Quan, sông Đuống tại hạ lưu cống Long Tửu để ứng phó với diễn biến hạ thấp mực nước trên hệ thống sông; tiếp nguồn thuận lợi cho hệ thống Bắc Hưng Hải và các sông Đáy, sông Nhuệ, sông Ngũ Huyện Khê, kết hợp với các giải pháp xử lý nước thải để làm sống lại các sông nội đồng như sông Tô Lịch, sông Nhuệ, sông Đáy, sông Ngũ Huyện Khê, sông Châu Giang, sông Bắc Hưng Hải. Thực hiện phương án bổ sung nước từ dòng chính sông Đà vào sông Tích, sông Đáy”.

Sáng 20/6/2024, Quốc hội thảo luận ở hội trường về Quy hoạch Thủ đô và điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội. Phát biểu tại hội trường, đại biểu Hoàng Văn Cường cho hay, ông là người tham gia xây dựng quy hoạch, vai trò của Sông Hồng trong Quy hoạch Thủ đô sẽ lồng ghép 3 nhiệm vụ: (1) Tiết kiệm 5 tỷ m3 nước sạch để phục vụ sinh hoạt và sản xuất; (2) rửa trôi nước thải, làm sạch các dòng sông khô hạn ô nhiễm; (3) tạo cảnh quan để xây dựng hai con đường di sản hai bên sông. [5]

Giữ lại 5 tỷ m3 nước xả từ hồ thủy điện trong thời gian rất ngắn đòi hỏi không gian trữ nước rất lớn, nếu trữ trong 1.000km2 thì cột nước cao 5m, trong khi tổng diện tích trong lòng đê hai bên sông của 29km sông Đà và 129km sông Hồng chảy qua Hà Nội có diện tích 400km2. Khi đập Xuân Quang, Long Tửu hình thành đập dâng thì 400km2 dòng sông và vùng đất bãi lọt trong hai con đê có thể trữ được 2 tỷ m3 nước sạch, tham gia rửa trôi nước ô nhiễm nhưng sẽ nhấn chìm con đường và các công trình xây dựng trong khu vực.

Đường mới và tuyến đê mới đặt tại vị trí của tuyến đê hiện trạng là việc làm mang lại nhiều lợi ích đã được Luật Đê điều 2006 cho phép: “Khuyến khích và tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân trong nước và tổ chức, cá nhân nước ngoài đầu tư nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ tiên tiến kết hợp với các biện pháp truyền thống vào việc xây dựng, tu bổ, nâng cấp, kiên cố hóa, bảo vệ đê điều và hướng tới các giải pháp chủ động trong công tác quy hoạch phòng, chống lũ. Khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng, tu bổ, nâng cấp, kiên cố hóa và bảo vệ đê điều kết hợp phát triển kinh tế – xã hội; bảo vệ lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư vào lĩnh vực này”

Luật Thủ đô cho phép xây dựng các công trình phù hợp với quy hoạch đê điều và quy hoạch khác có liên quan

Việc định cư an toàn, lâu dài cho 0,3 triệu dân cư ngoài đê sông Hồng là thách thức lớn bao năm nay vì đất trong đồng đã dày đặc làng xóm cũ và ruộng lúa, thì nay đã được hóa giải: Quy hoạch TP mới Bắc sông Hồng đã giảm đất nông nghiệp, tăng đất ở để tiếp nhận thêm 1,6 triệu người (từ 1,3 triệu người năm 2024 sẽ tăng lên 2,9 triệu người năm 2045) không gian đô thị mới trong đồng có thể tiếp nhận nhiều hơn gấp 5 lần dân cư ngoài bãi sông Hồng, 1,6 triệu/0,3 triệu người). Với chiến lược làm đập tràn, lấy nước sạch sông Hồng cất giữ trong lòng sông và tràn vào 600km2 thuộc lưu vực các sông con, kênh mương, hồ ao, ruộng trũng… tạo thành đô thị nước sinh thái, gia tăng chất lượng sống, giá trị bất động sản, cũng như phát triển nông nghiệp thủy sản hiện đại, tạo ra những không gian công cộng, kiến trúc cảnh quan đặc sắc làm giàu cho cư dân trong đồng lẫn ngoài bãi, và cho cả Thủ đô ta.

Trần Huy Ánh
Ủy viên Thường vụ Hội KTS Hà Nội
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 7-2024)


Chú dẫn
[1] https://ift.tt/kbpeOQD -2024-575158.aspx;
[2] https://ift.tt/DHWodNu;
[3] https://ift.tt/s8bEPqG;
[4]https://ift.tt/LY2tA4T;
[5] https://ift.tt/RrQjDKw.