Sắp tới, việc nâng cấp khu vực trước Chợ Bến Thành có thể sẽ mang đến cho TP.HCM một cơ hội độc đáo để đưa ra tuyên bố mạnh mẽ về chính mình. Bốn địa danh đô thị bao quanh khu vực này nhắc chúng ta nhớ về lịch sử của thành phố (TP) như một Paris của phương Đông, được thúc đẩy bởi cộng đồng người châu Á đa dạng và năng động. Mỗi địa danh đô thị này nói riêng cũng là đại diện tương ứng cho các khía cạnh khác nhau (thương mại, cơ sở hạ tầng, văn hóa và môi trường) đã góp phần khiến TP được yêu mến.

Tuy nhiên, ngay tại trung tâm của khu vực này, như một vết chém chia cắt không gian làm đôi, là một công trình dang dở đang truyền tải một thông điệp lạc lõng: thông điệp về lòng tham và sự lừa dối: Khi mà người dân Việt Nam đang đồng lòng kiên quyết thể hiện sự ủng hộ của họ đối với cuộc chiến chống tham nhũng, việc phá hủy đống đổ nát của tòa nhà này, và tích hợp bốn địa danh đô thị vào một không gian công cộng mang tầm quốc tế sẽ cho thấy rõ ràng các giá trị mà TP.HCM muốn đại diện, trên con đường trở thành một trong những TP hàng đầu châu Á.

Cải tạo cảnh quan trước chợ Bến Thành (Nguồn: Internet)
Chợ Bến Thành sau khi được cải tạo (Nguồn: Tác giả)

Trong suốt chiều dài lịch sử, cá tính của các TP được định nghĩa bởi không gian công cộng của chúng.

Athens được coi là cái nôi của tổ chức nhà nước hiện đại và Agora là trung tâm chính trị của TP. Đó là nơi tụ họp của dân chúng để bầu ra người đại diện và xem xét các tài khoản công. Đây cũng là nơi các nhà triết học như Plato hay Socrates thảo luận về những vấn đề của thời đại, từ đó định hình cách nhìn của chúng ta về thế giới ngày nay.

Ở Tây Âu, nơi đầu tiên kinh tế được phát triển mạnh mẽ, các quảng trường trung tâm là khu vực để nông dân và nghệ nhân bán sản phẩm và dịch vụ của họ. Quảng trường Grand-Place của Brussels (Bỉ), được bao quanh bởi các tòa nhà tráng lệ của các đoàn hội hùng mạnh trong TP, là một minh họa cho việc sử dụng không gian công cộng vì mục đích kinh tế. Đây cũng là một trong những quảng trường đẹp nhất thế giới.

Không gian công cộng cũng có thể được sử dụng như những tuyên bố mạnh mẽ.

Tại Berlin, Potsdamer Platz đã trở thành biểu tượng cho hòa bình trỗi dậy của nước Đức. Khu vực này đã bị phá hủy trong Thế chiến II và bị chia cắt bởi Bức tường Berlin. Nhưng sau khi thống nhất, nó đã trở thành một trong những công trình xây dựng đáng mong đợi nhất ở châu Âu. Trở thành một mắt xích sôi động liên kết hai nửa TP, Potsdamer Platz đã chữa lành những vết thương lịch sử và lần nữa khẳng định Berlin là một trong những thủ đô lớn của thế giới.

Tại Paris, vai trò định nghĩa này được đảm nhiệm bởi Sông Seine. Bao quanh bởi những kiệt tác kiến trúc, chảy qua những cây cầu thanh lịch, hai bên là những bến tàu lãng mạn, không gian công cộng nối dài này phản ánh hình ảnh Paris như một kinh đô của văn hóa và nghệ thuật. Không phải ngẫu nhiên mà dòng sông này, thay vì một sân vận động chung chung nào đó, đã được chọn làm địa điểm tổ chức lễ đăng cai Thế vận hội Olympic gần đây nhất.

Giờ đây, TP.HCM đang đứng trước một cơ hội độc đáo để khiến không gian công cộng truyền tải định nghĩa về cá tính của TP, đồng thời đưa ra tuyên bố mạnh mẽ về các ưu tiên của TP khi hướng tới mục tiêu trở thành một trong những đô thị hàng đầu châu Á. Cơ hội đó được tạo ra thông qua quyết định về việc nâng cấp sắp tới trên khu vực phía trước chợ Bến Thành, khi hiện nay công trình tuyến tàu điện ngầm bên dưới đã hòan thành.

Cơ hội này được “khơi mào” bằng hai kinh nghiệm thành công trong việc phát triển không gian công cộng của TP.HCM, mỗi kinh nghiệm có thể coi là một bước đệm trong quá trình phát triển đô thị mà chính quyền địa phương có thể gây dựng.

Bước đệm đầu tiên, phố đi bộ Nguyễn Huệ đã trở thành nơi phản ánh sức sống của đời sống xã hội trong TP. Mỗi buổi tối, khi làn gió mát dịu thổi từ sông Sài Gòn, đám đông vui vẻ tràn vào làn giữa đặc biệt rộng lớn của con phố. Trẻ em chơi đùa và đạp xe, thanh thiếu niên nhảy múa và biểu diễn, các gia đình tụ tập và thư giãn… Cho đến tối muộn, đặc biệt là vào cuối tuần, dường như toàn bộ năng lượng của đời sống vỉa hè TP.HCM đã được cô đọng lại chỉ trong vài dãy nhà ở trung tâm TP, làm hài lòng không chỉ người dân địa phương mà còn cả khách du lịch.

Quang cảnh khu vực cầu Thủ Thiêm (Nguồn: Tác giả)

Bước đệm thứ hai, gần đây hơn, Thủ Thiêm Plaza mới được xây dựng và đưa vào hoạt động như một sân khấu kịch khổng lồ thể hiện sự tăng trưởng về kinh tế của TP.HCM. Bên kia sông Sài Gòn là những tòa nhà chọc trời sáng lóa của Quận 1 và Quận 2, minh chứng cho sự phát triển vượt bậc của TP kể từ khi kết thúc thời kỳ bao cấp. Và mỗi ngày, khi màn đêm buông xuống, tất cả người dân TP được tận hưởng không khí mát mẻ trong khi chiêm ngưỡng đời sống phong phú diễn ra ở hai bên bờ sông: khung cảnh kiến trúc hiện đại của TP, những hoạt động sôi động, công viên phủ đầy mảng xanh…

Tuy nhiên, vượt qua cả phố Nguyễn Huệ và Thủ Thiêm Plaza, khu vực trước chợ Bến Thành mới là nơi có tiềm năng để trở thành không gian công cộng đặc trưng của TP.HCM.

Phối cảnh phương án cải tạo cảnh quan trước chợ Bến Thành sau khi hoàn thành.
(Nguồn: internet)

Với bốn địa danh đô thị bao quanh khu vực. Ở phía Bắc, chợ Bến Thành với kiến trúc Pháp hiệu quả và thanh lịch kết hợp với văn hóa thương mại mạnh mẽ của miền Nam Việt Nam. Không xa đó, về phía Đông, Trụ sở Đường sắt phản ánh tầm quan trọng của cơ sở hạ tầng giao thông trong sự phát triển của TP. Ở phía đối diện, về phía Tây, công viên 23 tháng 9 là một trong những không gian xanh lớn nhất ở trung tâm TP. Cuối cùng, nhưng không kém phần quan trọng, ở phía Nam là Bảo tàng Mỹ thuật với kiến trúc tráng lệ và sở hữu bộ sưu tập tranh phong phú.

Bốn địa danh đô thị này là lời nhắc nhở mạnh mẽ về sự trỗi dậy của TP trong một thế kỷ trước.

Vào thời điểm đó, Sài Gòn đã trở thành Paris của phương Đông nhờ bố cục đô thị và phong cách kiến trúc. Nhưng sự năng động của nó hiển nhiên là đặc trưng của châu Á, được thúc đẩy bởi đặc điểm dân số pha trộn bao gồm một nhóm người Kinh chiếm đa số, một tầng lớp doanh nhân gốc Hoa và thậm chí là một cộng đồng đáng kể người Nam Ấn. Xét cho cùng, Bảo tàng Mỹ thuật tráng lệ được xây dựng bởi một doanh nhân địa phương giàu có mà không phải là chính quyền thực dân.

Bảo tàng Mỹ thuật và tòa nhà cao tầng chia cắt khu vực (Nguồn: Tác giả)

Thật không may, một tòa nhà cao tầng khổng lồ còn đang dang dở đã che khuất Bảo tàng Mỹ thuật, chia cắt khu vực đô thị đắc địa này thành hai phần, giống như Bức tường Berlin đã chia cắt Potsdamer Platz. Được rót vốn bằng cách lừa dối lòng tin của những người tiết kiệm nhỏ bé, thúc đẩy bằng cách hối lộ các quan chức chính phủ và được kỳ vọng sẽ trở thành cơ hội rửa tiền, đống đổ nát của tòa nhà này thể hiện trái ngược với hình ảnh đặc trưng mà Việt Nam muốn mang lại.

Tuy nhiên, may mắn thay, dự án đã bị đình trệ. Sau khi các lãnh đạo của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát bị bắt giữ, vào tháng 10 năm 2022, logo Viva Land đã bị gỡ khỏi hàng rào bên ngoài và dường như không có nhà thầu mới nào tham gia. Trong trường hợp không có công trình xây dựng mới, đống đổ nát của tòa nhà này chỉ đơn giản là lời nhắc nhở về những tổn thất mà lòng tham và tham nhũng có thể gây ra.

Vẫn chưa quá muộn để xóa bỏ “vết thương hở” này và chuyển đổi khu vực đô thị đắc địa trước chợ Bến Thành thành không gian công cộng mang “định nghĩa” của TP.HCM. Trong số các tòa tháp cao 55 và 48 tầng theo quy hoạch, chỉ có khoảng chục tầng đã được xây dựng trên mặt đất. Chúng có thể được phá dỡ. Đối với sáu tầng ngầm, chúng có thể được chuyển đổi công năng thành khu vực đậu xe thương mại, giải tỏa tắc nghẽn cho các đường phố xung quanh và làm cho trung tâm TP.HCM thân thiện hơn với người đi bộ. Song song đó, có thể phát động một cuộc thi quốc tế để cung cấp ý tưởng biến khu vực này thành không gian công cộng đẳng cấp thế giới.

Khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng qua đời, đã có một làn sóng tiếc thương dành cho ông. Những thông điệp biết ơn về cuộc chiến chống tham nhũng không ngừng nghỉ của ông đột nhiên tràn ngập trên mạng xã hội, cho thấy kế hoạch của ông thân thương gần gũi như thế nào đối với người dân Việt Nam.

Việc phá dỡ tàn tích xấu xí của tòa nhà Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và xem xét lại về khu vực trước chợ Bến Thành sẽ cho thấy rằng tầm nhìn của ông Trọng vẫn còn sống. Và không gian công cộng được hình thành sắp tới, hy vọng sẽ thành công như phố Nguyễn Huệ và Thủ Thiêm Plaza, trở thành tuyên bố mạnh mẽ về cam kết của TP.HCM đối với sự liêm chính trong phát triển đô thị.

Martin Rama
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 7-2024)


*Martin Rama: Là Chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam từ năm 2002 đến năm 2010. Ông là tác giả của “Hà Nội – Một chốn rong chơi”, cuốn sách đoạtGiải thưởng Bùi Xuân Phái năm 2014, và “Vì tình yêu Hà Nội”, cuốn sách về bảo tồn di sản và phát triển đô thị phát hành năm 2023.