Tiếp nối thành công từ các năm trước, Giải thưởng “Kiến Trúc Xanh Sinh Viên 2024” trở lại với quy mô ấn tượng và sự bảo trợ từ những tổ chức danh tiếng trong ngành xây dựng, bao gồm Bộ Xây dựng, Hội Môi trường Xây dựng Việt Nam, Viện Khoa học Công nghệ Đô thị Xanh (IGU), Sen Vàng Group, Trung tâm Nghiên cứu & Phát triển Đô thị Xanh Việt Nam (VIEALIFE Group), và SBVN. Lễ trao giải được tổ chức trực tuyến vào lúc 14h30 ngày 27/09/2024, quy tụ sự tham gia của các chuyên gia hàng đầu, sinh viên, và đại diện từ nhiều doanh nghiệp lớn trong ngành.
Ra đời từ Tuần lễ Công trình Xanh Việt Nam năm 2017, Giải thưởng Kiến Trúc Xanh Sinh Viên được tổ chức nhằm khuyến khích và vinh danh những sinh viên năm cuối thuộc các trường đại học có khoa Kiến trúc và Quy hoạch trên cả nước. Sự kiện đã trở thành động lực thúc đẩy những kiến trúc sư trẻ tiếp cận và ứng dụng các giải pháp kiến trúc xanh vào thực tiễn xây dựng tại Việt Nam. Đây không chỉ là cơ hội để sinh viên thể hiện tài năng và tư duy sáng tạo, mà còn mở ra cánh cửa hợp tác với các doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực xây dựng và phát triển bền vững.
Qua các năm tổ chức, nhiều sinh viên đã hiểu rõ hơn về tầm quan trọng của kiến trúc xanh, từ đó tạo tiền đề cho sự nghiệp sau này, với những công trình ứng dụng hiệu quả các giải pháp bảo vệ môi trường và cải thiện chất lượng cuộc sống. Năm nay, Giải thưởng đã thu hút gần 100 đồ án xuất sắc đến từ 15 trường đại học uy tín trên cả nước, tiêu biểu như Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội, Trường Đại học Công nghệ TP. Hồ Chí Minh, Trường Đại học Kiến trúc TP. Hồ Chí Minh, Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng, Trường Đại học Văn Lang, và nhiều trường đại học khác. Mỗi đồ án tham gia đều thể hiện sự sáng tạo và đổi mới trong việc ứng dụng các nguyên tắc của kiến trúc xanh vào thực tiễn.
Các đồ án dự thi được đánh giá dựa trên 5 tiêu chí chính:
- Tính sáng tạo: Các đồ án phải thể hiện được ý tưởng mới mẻ, cách tiếp cận độc đáo và khả năng ứng dụng trong thực tiễn. Đồng thời vẫn cần chú trọng, kế thừa và khai thác giá trị văn hóa kiến trúc truyền thống.
- Địa điểm bền vững và khả năng chống chịu: Hài hòa và bền vững, giảm tác động tiêu cực từ kiến trúc lên cảnh quan và phát huy yếu tố tự nhiên có lợi cho môi trường sống. Bên cạnh đó, khả năng tận dụng tái xây dựng địa điểm sẵn có và tính bền vững trong điều kiện môi trường khắc nghiệt
- Thiết kế thụ động: Tận dụng các giải pháp thụ động trong thiết kế, tận dụng tối đa các yếu tố tự nhiên như ánh sáng, gió để giảm thiểu tiêu thụ năng lượng.
- Công nghệ xanh và chất lượng môi trường trong nhà: Đưa vào ứng dụng các công nghệ tiên tiến giúp cải thiện môi trường, tiết kiệm tài nguyên và năng lượng, tạo môi trường sống lành mạnh có lợi cho sức khỏe con người.
- Hiệu quả năng lượng và tài nguyên: Sử dụng các vật liệu tái chế, tài nguyên và năng lượng một cách tối ưu, áp dụng các công nghệ hiệu quả để tiêu thụ carbon thấp nhất đảm bảo tiết kiệm và bảo vệ môi trường.
Để đảm bảo tính công bằng và minh bạch, Ban Tổ chức đã xây dựng bộ tiêu chí đánh giá đồ án với 5 tiêu chí chính, mỗi tiêu chí được chấm điểm theo thang điểm 10. Điểm số tối thiểu để vào vòng chung kết là 7 điểm. Bộ tiêu chí này được xây dựng dựa trên thực tiễn và có thể được điều chỉnh để phù hợp với sự phát triển của ngành. Việc áp dụng bộ tiêu chí này nhằm khuyến khích sinh viên sáng tạo các giải pháp kiến trúc xanh hiệu quả và đáp ứng các quy định pháp luật hiện hành.
Hội đồng giám khảo Giải thưởng gồm các Giáo sư, Phó Giáo sư, Tiến sĩ – Kiến trúc sư hàng đầu trong lĩnh vực kiến trúc xanh và phát triển bền vững, cùng các chuyên gia đến từ các tổ chức liên quan. Các đồ án được đánh giá cao bởi sự sáng tạo và khả năng ứng dụng thực tế, với các loại công trình đa dạng như công trình văn hóa cộng đồng, khu di tích lịch sử, resort, viện bảo tàng, trung tâm y tế và công viên tái chế.
Kết quả giải thưởng kiến trúc xanh sinh viên 2024
Sau một hành trình dài với rất nhiều vòng thi đầy cam go, giải thưởng Kiến trúc xanh Sinh viên 2024 cuối cùng cũng đã tìm ra những chủ nhân xứng đáng. Hàng trăm đề án dự thi đã trải qua quá trình đánh giá kỹ lưỡng, từ vòng sơ khảo đến vòng chung kết, để chọn ra những ý tưởng sáng tạo và bền vững nhất.
Giải nhất (1 Giải)
- Sinh viên Nguyễn Thảo Vy đến từ trường Đại học Bách Khoa TPHCM -khoa KTXD với đề tài là “Cộng đồng thực nghiệm sinh thái – xã hội “Làng Sông” thích ứng với vùng đất ngập nước đầm Thị Nại”. Chủ đề thực tiễn, có tính mới sát với tiêu chí của ban tổ chức. Đồ án sáng tạo, có nhiều nghiên cứu và áp dụng công nghệ hướng tới môi trường bền vững. Bên cạnh đó đồ án còn mang những giá trị cao về mặt xã hội mang đến những giải pháp thực tiễn, bền vững và có ý nghĩa xã hội lớn.
Giải nhì (2 Giải)
- Sinh viên Nguyễn Thanh Tùng đến từ trường Đại học Xây dựng mang đến giải đề tài “Phú An Cư- Mô hình cụm tuyến dân cư vượt lũ Tp. Cần Thơ” – Đồ án hướng đến việc xây dựng một tương lai bền vững cho các cộng đồng dễ bị tổn thương trước biến đổi khí hậu, bằng cách đưa ra những giải pháp sáng tạo hướng tới vật liệu, kỹ thuật xây dựng địa phương, thiết kế thụ động phù hợp khí hậu vùn, phù hợp với điều kiện thực tế.
- Nguyễn Hoàng Nhật Quyên đến từ trường đại học Huế với đề tài “Trường học không tường – Không gian trải nghiệm hành trình xanh” – Chủ đề đem đến một cách tiếp cận phù hợp với khí hậu nhiệt đới, hòa nhập với thiên nhiên, đề xuất sáng tạo hướng phát triển cho làng nghề nông nghiệp Huế. Bên cạnh đó, đồ án còn mang những giá trị về mặt xã hội hướng tới thiết kế thụ động, thân thiện môi trường. Nội dung sáng tạo, có hướng tiếp cận tốt phù hợp với tiêu chí của SGA.
Giải ba (3 Giải)
- Phạm Thị Tư đến từ trường Đại học Kiến trúc Hà Nội với chủ đề “Nhà máy xử lý rác hữu cơ Đông Anh – Hà Nội – Đồ án sở hữu một chủ đề hấp dẫn, mang đến những giải pháp bền vững toàn diện, kết hợp hài hòa giữa nghiên cứu khoa học và công tác tuyên truyền, giáo dục. Đề tài thể hiện sự sáng tạo và tư duy nghiên cứu tốt của sinh viên.
- Lương Thị Kim Ngân đến từ trường Đại học Kiến Trúc TP HCM với chủ đề “Trung tâm sinh hoạt Văn hóa và Quảng bá làng chiếu Đình Yên” – Nghiên cứu này nhằm khám phá mối liên hệ giữa bảo tồn văn hóa làng nghề truyền thống và việc bảo vệ môi trường sống, với mục tiêu xây dựng một không gian sản xuất bền vững.
- Hoàng Kim Tú đến từ trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng với chủ đề “Trung tâm nghiên cứu, trưng bày, sinh vật biển Cù Lao Chàm” – Chủ đề hướng đến bảo vệ đa dạng sinh học và khai thác du lịch bền vững. Đồ án ứng dụng các giải pháp công nghệ mới hỗ trợ thiết kế, mang giá trị nhân văn, giải quyết khoa học hướng tới đa dạng sinh học và du lịch bền vững. Có nghiên cứu sử dụng năng lượng và tài nguyên hiệu quả. Có tính độc đáo, tính mới sát với tiêu chí của SGA.
Giải khuyến khích (5 Giải)
- Võ Ngọc Trai đến từ trường Đại học Xây dựng miền trung (MUCE) với chủ đề “Trung tâm Văn hóa làng chài Phú Lạc, Đông Hòa, Phú Yên”
- Vương Hữu Thanh Phúc đến từ trường Đại học Kiến Trúc Hà Nội có đề tài là “Tái thiết khu tập thể Kim Liên”.
- Nhóm sinh viên Mẫn Thị Quỳnh Anh và Lê Ngọc Nhi đến từ trường Khoa Quốc tế thuộc trường Đại học Kiến trúc Hà Nội với chủ đề “Quy hoạch phân khu đô thị nông nghiệp Tây Bắc – Bắc Ninh”.
- Lê Ngọc Linh đến từ trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội với chủ đề “Trung tâm trưng bày gỗ Thạch Thất”.
- Nguyễn Hùng Dũng đến từ trường Đại học Duy Tân với chủ đề “Trung tâm Quảng bá và Phát triển làng nghề nước mắm Nam Ô”.
Giải chuyên đề (8 Giải)
- Hoàng Long đến từ trường Đại học Công nghệ TP HCM với chủ đề “Chung cư sinh thái Eco Life Quận 6 Thành phố Hồ Chí Minh”.
- Nguyễn Ngọc Lam Quỳnh đến từ trường Đại học Công nghệ TP HCM với chủ đề “Trung tâm Văn hóa Truyền thống Tây Nguyên”.
- Nhóm sinh viên Nguyễn Tuấn Dũng và Ngô Tiến Phúc Đạt với chủ đề “Thiết kế cảnh quan ven sông Cày, thành phố Hà Tĩnh”.
- Nguyễn Hồng Ngọc đến từ trường Đại học Thủ Dầu Một với chủ đề “Trung tâm bảo trợ người khuyết tật và trải nghiệm SP thủ công tái chế tỉnh Bình Dương”.
- Nguyễn Thị Như Quỳnh đến từ trường Đại học Thủ Dầu Một với chủ đề “Bảo tàng văn hóa cổ Sa Huỳnh – Quảng Ngãi”.
- Souvannarath tavanh đến từ trường Đại học Khoa học Huế với chủ đề “Không gian trải nghiệm Sinh thái rừng ngập mặn Rú Chá – Huế”.
- Nguyễn Tiến Thắng đến từ trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội với chủ đề “Phú Hoa Trang”.
- Trần Đình Trường đến từ trường Đại học Duy Tân với chủ đề “Trung tâm triển lãm nghệ thuật đương đại Đà Nẵng”.
Giải thưởng Kiến trúc xanh sinh viên 2024 đã khép lại thành công với những dấu ấn đáng nhớ. Sự kiện này không chỉ là một cuộc thi đơn thuần mà còn là một diễn đàn sôi động, nơi các ý tưởng sáng tạo về kiến trúc xanh được ươm mầm và phát triển. Đây là một bước khởi đầu đầy hứa hẹn với các bạn sinh viên có ước mơ xây dựng một đô thị trong tương lai. Với sự nỗ lực của ban tổ chức, sự tham gia nhiệt tình của các bạn sinh viên và sự ủng hộ của cộng đồng, giải thưởng sẽ ngày càng phát triển và trở thành một sân chơi uy tín cho các tài năng trẻ ở Việt Nam.
© Tạp chí kiến trúc
Nhận xét