Ngày 3/10/2024, Bộ Xây dựng tổ chức lễ khai mạc Tuần lễ Công trình xanh Việt Nam năm 2024 tại Cung Triển lãm Kiến trúc Quy hoạch Xây dựng Quốc gia. Chủ đề của sự kiện năm nay là “Phát triển công trình xanh: Chuyển biến từ chính sách đến hành động”.
Đây là sự kiện được Bộ Xây dựng tổ chức thường niên từ năm 2020 nhằm triển khai thực hiện nhiệm vụ tại Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019 – 2030; đồng thời nâng cao nhận thức của các bên liên quan về lợi ích của việc phát triển công trình xanh, đô thị xanh, cũng như thể hiện nỗ lực của ngành Xây dựng trong việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả góp phần vào giảm phát thải khí nhà kính, giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu và hướng tới phát triển bền vững của Việt Nam.
Tuần lễ Công trình xanh Việt Nam năm nay tập trung thảo luận các chính sách mới trong lĩnh vực phát triển công trình xanh tại Việt Nam; Chia sẻ kinh nghiệm về xây dựng và phát triển công trình xanh, thông minh, ứng phó với biến đổi khí hậu, thích ứng cao với công nghệ, ứng dụng chuyển đổi số, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.
Trong khuôn khổ Tuần lễ diễn ra nhiều sự kiện, trong đó có 1 phiên toàn thể, 4 hội thảo chuyên đề; triển lãm các sản phẩm, công trình xanh trong lĩnh vực xây dựng; vinh danh các tổ chức, cá nhân có đóng góp cho phát triển xanh; trao chứng nhận công trình xanh; trao giải cuộc thi kiến trúc xanh sinh viên; Giải báo chí viết về công trình xanh.
Một trong những hoạt động mở đầu tuần lễ là Hội thảo chuyên đề 1: “Phát triển nhà ở, bất động sản theo hướng xanh, tiết kiệm năng lượng” do Viện Kiến trúc Quốc gia chủ trì tổ chức sáng 3/10 tại Hà Nội. Hội thảo đã thu hút sự tham gia của nhiều chuyên gia, nhà quản lý và chủ đầu tư, tập trung thảo luận các giải pháp phát triển nhà ở xanh và tiết kiệm năng lượng, qua đó khẳng định tầm quan trọng của việc phát triển bền vững trong chiến lược nhà ở quốc gia.
Phát biểu kết luận Hội thảo, PGS. TS. Mai Thị Liên Hương, Viện trưởng Viện Kiến trúc Quốc gia nhấn mạnh, Hội thảo đã cung cấp cái nhìn toàn diện về tình hình phát triển nhà ở xanh tại Việt Nam hiện nay và những định hướng ở tương lai, khẳng định tầm quan trọng của việc phát triển nhà ở xanh và TKNL trong chiến lược phát triển nhà ở quốc gia.
Ông Lê Văn Kế, Phó Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) phát biểu khai mạc Hội thảo chuyên đề 2 “Thúc đẩy phát triển vật liệu xanh: Giải pháp bền vững cho một tương lai xanh”, biến đổi khí hậu đang trở thành một trong những thách thức lớn nhất mà thế giới phải đối mặt. Một trong những nguyên nhân của vấn đề này là do tác động tiêu cực từ các hoạt động sản xuất của của con người, trong đó có hoạt động xây dựng, sản xuất vật liệu xây dựng (VLXD).
Hội thảo tập trung vào việc hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn và các chính sách khuyến khích sản phẩm thân thiện với môi trường. Nhiều doanh nghiệp đã giới thiệu các sản phẩm và giải pháp giảm phát thải carbon, như xi măng xanh, vữa tô nội thất gốc thạch cao và vật liệu cách nhiệt, góp phần tạo ra công trình bền vững. Trong phần thảo luận, các chuyên gia đã chia sẻ thêm các giải pháp nhằm hướng đến một ngành xây dựng xanh và bền vững hơn.
“Quy hoạch, quản lý phát triển đô thị và hạ tầng xanh” là chủ đề Hội thảo Chuyên đề 3 nằm trong khuôn khổ Tuần lễ Công trình xanh Việt Nam 2024 do Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia chủ trì Hội thảo.
Tại hội thảo, các diễn giả đã thảo luận về các chính sách hiện hành liên quan đến phát triển đô thị bền vững và các chương trình hành động của Bộ Xây dựng nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển xanh.
Ông Tạ Quốc Thắng, Vụ Quy hoạch – Kiến trúc (Bộ Xây dựng) nêu rõ các bước tiến trong quy hoạch kiến trúc đô thị hiện đại, hướng tới bảo tồn văn hóa và thiên nhiên: “Các bên cần đẩy mạnh các nghiên cứu về bản sắc văn hóa dân tộc trong kiến trúc, phát triển các mẫu kiến trúc khai thác các giá trị kiến trúc truyền thống, thích ứng điều kiện vi khí hậu của mỗi địa phương, lồng ghép các mục tiêu phát triển công trình xanh trong quy hoạch đô thị, Quy chế quản lý kiến trúc của các địa phương.”
Tại hội thảo chuyên đề số 4: “Kết hợp hiệu quả các giải pháp công nghệ và thiết bị hướng đến công trình tiết kiệm năng lượng và giảm phát thải” các chuyên gia đã trình bày những giải pháp công nghệ và chính sách hướng tới công trình tiết kiệm năng lượng, bao gồm việc xây dựng cơ sở dữ liệu và quy định liên quan.
Tham luận đã nhấn mạnh sự phát triển của các tòa nhà xanh, việc đầu tư cho công trình xanh là một chiến lược cần thiết. Hội thảo khép lại với những trao đổi sâu sắc về các giải pháp hướng tới xây dựng công trình tiết kiệm năng lượng và giảm phát thải, tạo động lực cho các hành động thiết thực trong tương lai.
Sáng 4/10, tại Cung Triển lãm Kiến trúc Quy hoạch Xây dựng quốc gia, đã diễn ra Phiên toàn thể Tuần lễ Công trình Xanh Việt Nam 2024 với chủ đề “Phát triển công trình xanh – Chuyển động từ chính sách đến hành động thực tiễn”.
Phát biểu tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Minh Hà nhấn mạnh rằng, Việt Nam là một trong số các quốc gia luôn giữ được tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, nhưng đi kèm với đó là những thách thức như thiếu hụt tài nguyên, ô nhiễm môi trường và tác động của biến đổi khí hậu. Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách để khuyến khích phát triển công trình sử dụng năng lượng tiết kiệm và bảo vệ môi trường.
Cũng tại Phiên họp, các đại biểu cũng đã trình bày một số tham luận với các nội dung: Phong trào Xây dựng Công trình Xanh trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương và thế giới; Dự báo cung – cầu và tương lai của các công trình, bất động sản xanh trước những cải cách về chính sách phát triển công trình xanh; Chuyển đổi xanh trong công trình xây dựng: Từ định hướng đến các giải pháp kiến trúc cho công trình; Phát triển công trình xanh thông qua nguồn tín dụng xanh từ các ngân hàng thương mại.
Theo TS. KTS Phan Đăng Sơn, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam, chuyển đổi xanh trong công trình xây dựng cần từ quy hoạch, kiến trúc, tổ hợp công trình xây dựng, đến những công trình xây dựng đơn lẻ. Chuyển đổi xanh công trình xây dựng cần phải được ráo riết thực hiện bằng những chương trình theo định hướng cụ thể, rõ ràng và có định lượng. Việc đánh giá phải được rang buộc pháp lý chặt chẽ.
Ông cũng nhấn mạnh rằng kiến trúc xanh không chỉ là việc áp dụng thiết kế thân thiện với môi trường, mà còn phải đảm bảo sức khỏe và tiện nghi cho người sử dụng. Các giải pháp cần phù hợp với điều kiện tự nhiên, khí hậu và văn hóa của từng vùng miền.
Trong khuôn khổ Tuần lễ Công trình xanh Việt Nam năm 2024, trước đó vào ngày 26/9, Bộ Xây dựng đã phối hợp với UBND Thành phố Hà Nội tổ chức Diễn đàn với chủ đề “Chia sẻ kinh nghiệm và giải pháp phát triển công trình xanh tại Việt Nam”. Ngày 27/9, tại thành phố Đà Nẵng, Viện Kiến trúc Quốc gia (Bộ Xây dựng) đã tổ chức Hội thảo “Phát triển kiến trúc xanh tại các đô thị ven biển”.
Tố Uyên – TCKT.VN
© Tạp chí Kiến trúc
Nhận xét