Được thành lập từ năm 1999 bởi một số GS người Pháp và Ý chuyên ngành kiến trúc và công nghệ, Giải thưởng AIAC là giải thưởng uy tín hàng năm được bảo trợ bởi Unesco dành cho sinh viên các trường đào tạo chuyên ngành kiến trúc. Ngay từ những giai đoạn đầu mới thành lập, AIAC cùng sự tham gia của các GS Eric Dubosc, Ettore Zambelli, Marco Imperradori và các GS khác tại Trung Quốc và Hàn Quốc đều hướng đến một mục tiêu: Đề cao giải pháp thiết kế kiến trúc tích hợp với các điều kiện kỹ thuật.
Trong quá trình phát triển của AIAC những năm qua đã có 16 trường ĐH trên thế giới tham dự và kết nối với nhau trong các hoạt động của AIAC, trong đó có 3 trường là sáng lập viên: Thanh Hoa (Trung Quốc), Gyeongsang (Hàn Quốc), Ensaplv (Pháp).
AIAC được khởi đầu chỉ từ một số trường kiến trúc châu Âu nhưng rất nhanh chóng được mở rộng sang các trường ở châu Á. Mức độ tham dự của các trường tăng dần theo từng năm một cách rõ rệt. Ngày nay, chương trình này đã trở thành hoạt động toàn cầu với việc tham gia của nhiều nước tại Nam Mỹ và châu Phi. Bỏ qua những khó khăn sau đại dịch Covid 19. Chương trình AIAC đã bắt đầu được khởi động tại từ năm 2022 với việc tổ chức tại Marrakech, Maroc. Năm 2023, chương trình AIAC được tổ chức tại trường ĐH kiến trúc Ricardo Palma – Peru.
Năm nay, chương trình AIAC lần thứ 25 được tổ chức tại TP Mézos, Cộng hoà Pháp với điểm đặc biệt: Đề bài bao gồm hai đồ án mang tính thực tiễn cao, có thể được triển khai trong tương lai. Đồ án thứ nhất với tên gọi Coeur de Ville, mục tiêu xây dựng khu phức hợp thương mại và nhà ở tại trung tâm TP. Đồ án thứ hai với tên gọi Béguinage, mục tiêu xây dựng một khu ở dành cho người già tại trung tâm TP. Đề bài năm nay được đánh giá mang tính thực tiễn cao, với các yêu cầu cụ thể về mật độ, tầng cao và quy mô xây dựng kết hợp với những quy định chặt chẽ về quy chuẩn và tiêu chuẩn xây dựng tại Cộng hòa Pháp. Điều này đòi hỏi các sinh viên không chỉ phải tìm hiểu về hiện trạng của dự án, mà còn phải hiểu sâu và nắm kỹ những quy định trong luật xây dựng và quy hoạch. Trong chương trình năm nay, các sinh viên có thể được lựa chọn một trong hai đồ án, tuy nhiên phải thể được sự kết nối với dự án còn lại đồng thời kết nối với trung tâm của TP Mézos. Chương trình AIAC 2024 năm nay với sự tham gia của 8 trường đến từ 7 nước trên thế giới bao gồm: Perou, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan, Marroc và Việt Nam.
Vào ngày 22/09/2024 vừa qua, Tuần lễ triển lãm và chấm chọn 49 đồ án kiến trúc trong khuôn khổ chương trình đào tạo và Hội thảo quốc tế AIAC 2024 (Atelier International d’Architecture Construite 2024) đã kết thúc.
Sau 2 ngày triển lãm và một ngày làm việc nghiêm túc, Chương trình AIAC 2024 đã kết thúc với 06 Giải thưởng Chính thức và 20 Giải thưởng Danh dự đối với cả hai đồ án. ĐH Kiến trúc Thanh Hoa – Bắc Kinh – Trung Quốc lại một lần nữa khẳng định chất lượng đào tạo của mình khi nhiều năm liên tiếp dành Giải nhất AIAC một cách thuyết phục. Và năm nay, với giải nhất cho cả hai đồ án, ĐH kiến trúc Thanh Hoa xứng đáng với ngôi trường nhiều năm vào top 10 thế giới về đào tạo kiến trúc.
Các đồ án trong chương trình năm nay đã được sự đánh giá rất cao từ Hội đồng Ban giám khảo đặc biệt cũng nhận được sự hào hứng và ghi nhận của chính quyền và của người dân TP Mezos dành cho chất lượng và tính khả thi. Điều này khẳng định thêm nữa sự thành công trong bước đường phát triển của tổ chức này.
Hòa cùng thành công của chương trình, sau sự đánh dấu khá ấn tượng và những thành công đã đạt được trong những năm qua, Khoa Kiến trúc và Quy hoạch – Trường ĐH Xây dựng lại một lần nữa được xướng tên trên trường quốc tế với:
- 01 Giải Nhì với đồ án mang tên: The Sharing Village (SV: Kiều Đức Đại),
- 01 Giải ba với đồ án: Village in Village (SV: Nguyễn Sỹ Khái)
- 02 Giải Danh dự với 2 đồ án: The Cohesion và Nursing Village (của nhóm SV: Trần Hồng Quyên, Vũ Tuấn Khôi và Nông Thị Mỵ)
Tại AIAC 2024 năm nay, những thành tựu và nỗ lực của thầy và trò Khoa Kiến trúc và Quy hoạch, Trường ĐH Xây dựng không những được ghi nhận trong nước mà còn được khẳng định trên các trường ĐH chuyên ngành Kiến trúc quốc tế.
Bên cạnh những hoạt động triển lãm và chấm điểm của Hội đồng Ban Giám khảo, chương trình năm nay còn diễn ra những hoạt động hội thảo vô cùng hữu ích, với sự tham gia thuyết trình về kiến trúc của các GS, KTS nổi tiếng đến từ các nước Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc và Việt Nam, với các chủ đề về kiến trúc bản địa và kiến trúc bền vững.
AIAC 2025 sau 10 năm (2015-2025) sẽ quay trở lại VIệt Nam một lần nữa. Với những thành công đã đạt được của chương trình trong lần đầu tiên tổ chức tại Việt Nam vào 2015, chúng ta lại lại một lần nữa có cơ hội để mong chờ AIAC 2025 sẽ diễn ra thành công hơn nữa, với những đề tài hấp dẫn và những đồ án xuất sắc đến từ các trường đào tạo về kiến trúc uy tín trên thế giới, góp phần việc củng cố vị thế của các chương trình đào tạo về kiến trúc tại Việt Nam trên trường quốc tế.
TS.KTS Nguyễn Việt Huy
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 8-2024)
Nhận xét