Thông tin phương án: 

  • Tên phương án: Trăng đầy Mùa vàng
  • Đơn vị: Công ty TNHH Tư vấn & Thiết kế T.A.D
  • Giải thưởng: Giải Nhì Cuộc thi tuyển Ý tưởng quy hoạch và phương án thiết kế Bảo tàng Nông nghiệp ĐBSCL

Đồng bằng sông Cửu Long –Mekong Delta là một vùng đất nông nghiệp đậm chất văn hóa miền Tây Nam Bộ, là một trong những đồng bằng nông nghiệp lớn của thế giới. Nền nông nghiệp ở đây mang hơi thở của đất và người với hệ sinh thái “con nước theo trăng” quyện chặt nông nghiệp- nông dân- nông thôn.

Trăng rằm – trăng tròn – trăng đầy là hình ảnh tượng trưng cho bình an, no đủ và an lạc của nông thôn Nam Bộ.

Tấm bồ cà-tăng dí lúa tròn đầy, cứng cáp là của để dành sau những mùa vàng bội thu là sự tích lũy giá trị của bảo tàng nông nghiệp, giá trị thời gian và giá trị lòng người qua cuộc sống khẩn hoang đến hiện đại hóa nông nghiệp.

Sự phảng phất trong cảm nhận kiến trúc là bóng mát đại thụ, rặng dừa xanh, dừa nước, ngàn cây lấn biển của của sú, vẹt, đước, tràm … không gian sống thương hồ bồng bềnh trên xuồng ghe, nhà cao cẳng…những bờ vùng, bờ thửa , cánh đồng mùa nước nổi loang loang…

Với liên tưởng đó ” TRĂNG ĐẦY- MÙA VÀNG” là cảm hứng chủ đề cho ý tưởng thiết kế kiến trúc và quy hoạch Bảo tàng Nông nghiệp vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long – AMM.

Vai trò đặc biệt của AMM trong công năng và định hướng quy hoạch.

AMM không chỉ là một bảo tàng nông nghiệp đơn thuần mà còn là nơi lưu giữ văn minh nông nghiệp của vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long, như mong mỏi của Thủ tướng Võ Văn Kiệt – người đề ra ý tưởng thành lập Bảo tàng: “Để có được ĐBSCL thành khoảnh như ngày hôm nay, thì công sức và sự sáng tạo của người nông dân cũng quan trọng như vai trò của khoa học kỹ thuật và đầu tư của nhà nước. Vì vậy, phải có một nơi xứng đáng để tôn vinh sự đóng góp của họ và cũng để giáo dục con cháu sau này”.

Vị trí quy hoạch – xây dựng Bảo tàng Nông Nghiệp tại Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long với kỳ vọng chiến lược sẽ là trung tâm kết nối, xúc tiến kinh tế nông nghiệp của vùng, quốc gia và quốc tế.

© Tạp chí Kiến trúc