Thông tin phương án:
- Tên phương án: Thuận thiên – Hài hoà với đất trời
- Đơn vị: Liên danh NDV AND PARTNERS + PES-Architects Ltd.
- Giải thưởng: Giải Nhì Cuộc thi tuyển Ý tưởng quy hoạch và phương án thiết kế Bảo tàng Nông nghiệp ĐBSCL
Giới thiệu
Đồng bằng sông Cửu Long được thiên nhiên ban tặng một vẻ đẹp nên thơ và mộc mạc. Hình ảnh những cánh đồng lúa bất tận, những miệt vườn sai quả, những chiếc xuồng ba lá len lỏi trên các cánh đồng sen mùa nước lũ, đã khắc sâu trong tâm khảm của mỗi người dân nơi đây. Chính vì vậy Bảo tàng nông nghiệp đồng bằng sông Cửu Long mới, không chỉ là nơi tôn vinh các giá trị vật chất và tinh thần của một nền văn minh nông nghiệp lâu đời, mà đó còn là nơi mà mỗi người dân miền Tây Nam bộ nói chung và Vĩnh Long nói riêng cảm thấy tự hào và gần gũi mỗi khi nhắc đến. Đồng thời, mang sứ mệnh giới thiệu hình ảnh đất nước, con người Việt Nam ra với bạn bè quốc tế.
Ý tưởng quy hoạch
Với ý tưởng về một “thành phố nông nghiệp” hướng đến sự phát triển bền vững, trung tâm thành phố trong tương lai được xác định tại vị trí khu tưởng niệm cố thủ tướng Võ Văn Kiệt và bảo tàng nông nghiệp.
Từ trung tâm thành phố, trục hành chính-kinh tế- thương mại được hình thành dọc theo trục đường quan trọng Nam Kì Khởi Nghĩa, kết nối với thành phố Vĩnh Long.
Dọc theo trục này, mô hình thành phố 15 phút được hình thành với các công trình phức hợp gồm: công trình hành chính, thương mại, dịch vụ,.. tất cả tạo nên trục phát triển năng động cho khu vực. Mô hình này giúp đảm bảo bán kính phục vụ tối ưu nhất tới khu dân cư xung quanh, cho phép các mảng xanh xen kẽ, và việc sử dụng phương tiện giao thông bền vững, thân thiện môi trường.
Bên cạnh trục hành chính – kinh tế, trục văn hóa- lịch sử được hình thành kết nối các điểm đến mang dấu ấn lịch sử, văn hóa quan trọng của khu vực như: khu cảnh quan nông nghiệp “bảo tàng sống”, khu tưởng niệm cố thủ tướng Võ Văn Kiệt, bảo tàng nông nghiệp, và nhà trưng bày các thành tựu nông nghiệp.
Từ trục văn hóa – lịch sử, các khu du lịch trải nghiệm, làng nghề, vườn trái cây,.. đươc nối dài ra sông Cổ Chiên, phát triển dọc theo nhánh kênh Nàng Âm, tạo thành khu du lịch sinh thái đặc trưng của vùng sông nước như đồng bằng sông Cửu Long.
Việc bố trí khu cảnh quan nông nghiệp “bảo tàng sống” phía sau khu tưởng niệm cố thủ tướng Võ Văn Kiệt, vừa giúp tiết kiệm ngân sách cho đền bù giải tỏa, vừa tạo thành vùng đệm kết nối các khu du lịch trải nghiệm với các điểm du lịch văn hóa, lịch sử. Từ đó, hình thành một tổ hợp du lịch lớn, kết nối bằng cả đường bộ và đường thủy với các địa điểm du lịch khác của tỉnh Vĩnh Long như: cù lao Quới Thiện, An Bình, làng gạch Măng Thít,..
Khu nông nghiệp kĩ thuật cao: Gồm các khu trồng thực nghiệm và trung tâm công nghệ cao. Khu nông nghiệp kĩ thuật cao được kết nối với trung tâm nghiên cứu của bảo tàng nông nghiệp, và các trường đại học trong khu vực qua quốc lộ 53. Để góp phần cải tạo cảnh quan chung của khu vực, tuyến đường ven sông cần được quan tâm và cải tạo, tạo thêm nhiều mảng xanh đô thị và nhiều hoạt động du lịch đặc trưng của vùng sông nước.
Ý tưởng kiến trúc
Ý tưởng thiết kế được lấy cảm hứng từ mô hình cảnh quan nông nghiệp tuyến tính đặc trưng của đồng bằng sông Cửu Long: Cảnh quan nông nghiệp địa phương được hình thành bởi các sự đan xen các yếu tố mặt nước và dải cây trồng theo tuyến, tạo nên một hiệu ứng thị giác đặc biệt cho khu vực này.
Ý tưởng quy hoạch, kiến trúc và cảnh quan đều dựa trên mô hình nông nghiệp địa phương này, tạo thành một hệ thống lưới cho thiết kế. Rạch Đôn được xem là một Kiệt và công viên Nam Kì Khởi Nghĩa ở phía nam của khu đất.
Yếu tố cảnh quan trung tâm trong ranh giới khu đất, chia khu vực thành hai phần.
Từ con rạch, một loạt các kênh tưới tiêu hẹp theo chiều dọc được bổ sung vào hệ lưới.
Mặt nước là yếu tố kết nối đầu tiên giữa thiên nhiên và bảo tàng, gợi nên hình ảnh bản sắc của một vùng sông nước như Đồng bằng sông Cửu Long. Giữa các con kênh này là cảnh quan nông nghiệp, tạo thành yếu tố kết nối thứ hai. Cảnh quan xung quanh bảo tàng như những cánh đồng trồng những loại cây đặc trưng của khu vực đồng bằng sông Cửu Long và được canh tác và chăm sóc bởi chính các nông dân địa phương, thể hiện tính kết nối với cộng đồng và văn hóa nông nghiệp.
Những lối đi bộ tuyến tính là yếu tố kết nối thứ ba, cung cấp lối tiếp cận cho du khách đến với cảnh quan bảo tàng, kết nối không gian nội thất và ngoại thất, và hai bên bờ sông. Ngoài ra, các sàn gỗ mở rộng tạo thành các khoảng đệm giữa bảo tàng và bên ngoài.
Yếu tố kết nối thứ tư là một loạt các sân trong, nhằm tăng cường sự tương tác giữa các không gian bảo tàng và các chủ đề nông nghiệp. Chúng tạo ra những trải nghiệm đa dạng và độc đáo cho người dùng, đồng thời mang lại những khoảnh khắc thư giãn yên bình trong hành trình tham quan. Ngoài ra, các sân trong này còn mang ánh sáng tự nhiên vào các không gian trong bảo tàng. Những bức tường làm từ gạch địa phương tạo thành xương sống của công trình, cung cấp không gian cho các chức năng bổ trợ như nhà vệ sinh, phòng kỹ thuật, và công nghệ thông gió tự nhiên.
Chúng tạo nên yếu tố kết nối thứ năm, dẫn dắt du khách qua các không gian và cảnh quan của bảo tàng, đóng mở khung cảnh hướng ra thiên nhiên bên ngoài và không gian triển lãm lân cận. Các bức tường kính bao quanh các không gian triển lãm, tạo ra ranh giới tối thiểu giữa nội thất và ngoại thất, đồng thời định hình các không gian trưng bày. Những bức tường kính này là yếu tố kết nối thứ sáu.
Yếu tố kết nối thứ bảy, lấy cảm hứng từ kiểu mái quen thuộc của kiến trúc địa phương. Những mái nhà này vươn rộng ra cảnh quan, tạo bóng mát và che mưa cho các sân hiên và không gian nội thất.
Bố cục tổng thể của phương án kiến trúc được hòa quyện vào bối cảnh lịch sử, văn hóa và cảnh quan địa phương ở nhiều cấp độ, tạo thành một bức tranh tổng hòa giữa con người và thiên nhiên, tiếp thu ngôn ngữ kiến trúc bản địa, và chuyển thể một cách hài hòa tạo nên một nơi chốn vừa đương đại nhưng tĩnh lặng.
Giao thông và chức năng
Bảo tàng có ba lối tiếp cận chính:
- Lối tiếp cận chính vào bảo tàng. Lưu lượng khách chính của bảo tàng đến từ đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, là con đường chính kết nối khu tưởng niệm cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt và khu vực bảo tàng. Khu vực trả khách và bãi đỗ xe VIP được bố trí ngay trước lối vào chính của bảo tàng
- Lối vào nhân viên nằm ở phía bắc của khu đất, tiếp cận trực tiếp với các khu hành chính và khu kho và xưởng phục chế.
- Điểm tiếp cận thứ ba từ từ quốc lộ 53. Đây là điểm ra cho lưu lượng giao thông công cộng, nhưng cũng là điểm vào cho các sự kiện đặc biệt được tổ chức trong khu vực sự kiện ở phía tây khu đất. Khu vực bãi xe chính cũng nằm tại khu vực này. Khu vực bãi xe và khu vực sự kiện ngoài trời được kết nối với các chức năng khác của bảo tàng thông qua những lối đi bộ tuyến tính. Những con đường dành cho người đi bộ này cũng kết nối bảo tàng với khu tưởng niệm cố Thủ tướng Võ Văn.
Khối sảnh của bảo tàng mở rộng và kết nối hiệu quả với các không gian của bảo tàng, và các chức năng phục vụ của bảo tàng. Các không gian này bao gồm khu vực nhà hàng, cafe, quầy lưu niệm và đặc sản, hội trường và thư viện, cũng như không gian triển lãm định kỳ được đặt ở trung tâm của công trình.
Các không gian triển lãm được phân bố tại tầng trệt của khối phía đông con rạch và tầng hai của khối phía tây.
Khối giao thương nông nghiệp, lễ hội và sự kiện được đặt bên dưới các không gian triển lãm này
Khối hành chính và khu kho và xưởng phục chế được đặt ở phía bắc của khu đất, kết nối với hội trường, thư viện và các chức năng triển lãm định kỳ ở trung tâm công
trình.
Tuyến tham quan triển lãm bắt đầu ở tầng trệt và được thiết kế để dẫn dắt người tham quan đi qua các không gian bảo tàng, dọc theo các tuyến cảnh đan xen.
Các không gian triển lãm mang đến trải nghiệm kiến trúc đa dạng, có tầm nhìn mở ra các cảnh quan văn hóa nông nghiệp và sân vườn, và được định hình bởi các yếu tố mặt nước.
Tuyến tham quan tiếp tục lên tầng hai thông qua một dốc thoải băng qua con rạch.
Khu vực triển lãm trên cao cung cấp tầm nhìn xuống các không gian sự kiện và cảnh quan bên dưới, cũng như tầm nhìn xa ra các cảnh quan xung quanh. Tuyến tham quan băng qua con rạch một lần nữa, hạ xuống và kết thúc tại sảnh chính.
Kết cấu và kiến trúc
Công trình có thiết kế đơn giản, mạch lạc và mỗi yếu tố kiến trúc đều mang một ý nghĩa riêng.
Mái là yếu tố kiến trúc chính, tạo nên nét đặc trưng riêng cho công trình. Mái có chức năng che chắn mưa nắng, tạo ra vi khí hậu phù hợp cho nội dung triển lãm. Mái được cấu tạo từ kết cấu gỗ, ốp gỗ ở bên dưới và phủ tấm kim loại dạng sóng bên trên.
Các bức tường chức năng dày ở một phía cung cấp độ cứng cấu trúc cho công trình và chứa các chức năng phục vụ như nhà vệ sinh, kho trưng bày và phòng kỹ thuật. Chúng cũng được trang bị các hệ thống thông gió tự nhiên và làm mát, đưa không khí mát vào các không gian triển lãm. Bề mặt tường đứng còn được sử dụng cho mục đích trưng bày. Ở phía đối diện thường là một mặt tiền kính trong suốt và các cột gỗ đỡ mái. Sự kết nối giữa không gian nội thất và ngoại thất được thiết kế để tạo tính liền mạch và tự nhiên.
Các yếu tố cảnh quan như mặt nước và cây xanh được bố trí gần với khối công trình. Cả thảm thực vật và các khu vực mặt nước đều tích cực hỗ trợ làm mát cho công trình.
Kết cấu của công trình hài hòa với cảnh quan, các không gian triển lãm và thiên nhiên, giao thoa một cách liền mạch giữa bảo tàng và các cảnh quan văn hóa, lịch sử xung quanh.
Bảo tàng nông nghiệp vùng đồng bằng sông Cửu Long sẽ là một biểu tượng cho sự phát triển của Đồng Bằng Sông Cửu Long nói chung và Vĩnh Long nói riêng, trở thành một không gian cộng động và nghiên cứu năng động, phục vụ cho cả người dân địa phương cũng như du khách trong nước và quốc tế.
© Tạp chí Kiến trúc
Nhận xét