Tóm tắt

Kiến trúc truyền thống là sản phẩm văn hóa vật chất biểu hiện rõ nét các yếu tố được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, được tạo dựng theo tập quán, kinh nghiệm nhiều đời theo cách kế thừa biện chứng. Việc tiếp nối nghiên cứu, từ nhận diện, đánh giá, bảo tồn các giá trị kiến trúc truyền thống Việt Nam, tới phát huy những giá trị ấy trong phát triển kiến trúc Việt Nam đương đại, đặt trong bối cảnh phát triển – hội nhập, là hết sức cần thiết. Bài viết tổng kết một số kết quả nghiên cứu trong giai đoạn 1 của đề tài “Bảo tồn, phát huy, làm mới trong phát triển kiến trúc Việt Nam” do Hội KTS Việt Nam thực hiện. Nội dung chính bao gồm việc rà soát các công trình có giá trị nổi bật về khai thác yếu tổ truyền thống của kiến trúc Việt Nam, chọn lọc các công trình tiêu biểu, khảo cứu xây dựng bộ dữ liệu và bước đầu gợi mở hướng phát huy, ứng dụng trong phát triển kiến trúc Việt Nam.

Từ khóa: Bảo tồn, phát huy, giá trị truyền thống, kiến trúc, Việt Nam

Conserving and promoting traditional values in the development of Vietnam‘s architecture

Abstract:

Traditional architecture is a material cultural product that clearly expresses elements passed down from generation to generation, created according to long-standing customs and experiences through a dialectical inheritance process. Continuing research, from identifying, evaluating, and preserving the values of Vietnamese traditional architecture to promoting these values in the development of contemporary Vietnamese architecture, in the context of development and integration, is extremely necessary. This article summarizes some research results in the first phase of the project “Preservation, promotion, and innovation in the development of Vietnamese architecture” conducted by the Vietnam Architects Association. The main content includes surveying buildings with outstanding values in exploiting traditional elements of Vietnamese architecture, selecting typical works, researching and setting up a dataset, and initially suggesting directions for promotion and application in the development of Vietnamese architecture.

Keywords: conservation, promotion, traditional values, architecture, Vietnam

1. Giới thiệu

Với 54 dân tộc trải dài trên toàn lãnh thổ, cùng sự giao lưu, tiếp biến, va chạm văn hóa diễn ra trong hàng nghìn năm lịch sử đã tạo cho dân tộc ta một quỹ kiến trúc hết sức phong phú và đa dạng trên khắp đất nước. Kiến trúc truyền thống là sản phẩm văn hóa vật chất biểu hiện rõ nét các yếu tố được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, được tạo dựng theo tập quán, kinh nghiệm nhiều đời, quá trình này tạo ra truyền thống trong kiến trúc. Những sản phẩm kiến trúc hay các thành tố của nó trải qua sự chọn lọc của thời gian, được duy trì, lưu truyền và trở thành “vật mẫu” của kiến trúc truyền thống, được tổng hợp, hun đúc thành hệ giá trị đậm bản sắc và phong phú của kiến trúc Việt Nam.

Hệ giá trị truyền thống Việt Nam vô cùng phong phú, đặc sắc. Việc nghiên cứu, nhận diện, đánh giá, bảo tồn các giá trị kiến trúc truyền thống Việt Nam, phát huy những giá trị ấy trong phát triển kiến trúc đương đại, đặt trong bối cảnh phát triển – hội nhập, là hết sức cần thiết. Công việc này vừa là trách nhiệm vừa là nghĩa vụ của chúng ta, để không ngừng duy trì, củng cố, phát huy bản sắc dân tộc trong phát triển đô thị và kiến trúc.

Đề tài Bảo tồn, phát huy, làm mới trong phát triển kiến trúc Việt Nam – Mã số VH.02.02/22-28 được Thủ tướng Chính phủ giao Hội KTS Việt Nam thực hiện với 5 mục tiêu chính:

  1. Xây dựng danh mục công trình kiến trúc quan trọng cần gìn giữ, bảo tồn, bước đầu hình thành hệ thống dữ liệu kiến trúc Việt Nam.
  2. Định hướng phát huy giá trị kiến trúc truyền thống Việt Nam trong phát triển kiến trúc đương đại, cũng như trong một số lĩnh vực khác liên quan.
  3. Xây dựng các nguyên tắc và bộ dữ liệu tham khảo trong khai thác, phát huy giá trị kiến trúc truyền thống cho 5 loại công trình phổ biến.
  4. Quảng bá và kết nối ra quốc tế các giá trị đặc sắc, nổi trội của kiến trúc bản địa Việt Nam trong tiến trình hội nhập.
  5. Xây dựng cơ sở lý luận và thực tiễn để thực hiện các mục tiêu và nhiệm vụ của Định hướng phát triển Kiến trúc Việt Nam tới năm 2030, tầm nhìn tới năm 2050.

Từ 5 mục tiêu trên, nghiên cứu xác định ba nội hàm chính:

  1. Bảo tồn các giá trị kiến trúc dân tộc: Nhận diện, khảo cứu, khảo sát, chọn lọc các giá trị / công trình tiêu biểu qua các thời kỳ.
  2. Khai thác, phát huy giá trị kiến trúc truyền thống trong kiến trúc Việt Nam đương đại.
  3. Làm mới (từ nhiệm vụ được giao, chúng tôi diễn giải lại bằng từ Đổi mới) trong phát triển kiến trúc Việt Nam đương đại.

Tương ứng với 5 mục tiêu nghiên cứu và 3 nội hàm đã xác định được phân chia thành 3 giai đoạn nghiên cứu như sau:

Ba nội hàm nghiên cứu của đề tài – (Nguồn: Đề tài VH.02.02/22-28)
Ba giai đoạn nghiên cứu của đề tài – (Nguồn: Đề tài VH.02.02/22-28)

2. Quá trình hình thành và phát triển kiến trúc Việt Nam qua các giai đoạn

  • Kiến trúc truyền thống

Đất nước ta không có các di tích kiến trúc đồ sộ, nhưng lại phong phú đa dạng về loại hình, thể hiện truyền thống, bản sắc văn hoá của các dân tộc Việt Nam. Di tích kiến trúc là những bằng chứng vật chất và tinh thần về truyền thống lịch sử, văn hoá, phản ánh đời sống, cách ứng xử của con người với thiên nhiên, với xã hội. Trong suốt chiều dài lịch sử, do các điều kiện chính trị, kinh tế, xã hội khác nhau mà mỗi một giai đoạn lịch sử sự phát triển của các loại hình di tích cũng khác nhau.

Kiến trúc truyền thống có hệ thống cấu trúc vững vàng, tính toán sắp đặt khoa học. Không chỉ thống nhất về vật liệu, mà còn có sự thống nhất về kỹ thuật xây dựng. Bất kỳ một công trình kiến trúc nào cũng gồm ba phần: Nền móng – Thân – Mái. Dù loại hình công trình nào thì cũng có những loại liên kết cơ bản như liên kết mộng, liên kết chốt cơ bản được cấu trúc khoa học trong bộ khung gỗ truyền thống. Do đặc điểm, tính chất của hệ kết cấu cũng như vật liệu, kiến trúc truyền thống Việt Nam thường không hình thành các công trình có quy mô, kích thước lớn, mà ngược lại, hướng đến bố cục hài hòa, có điểm nhấn, tương xứng với tỉ lệ không gian và tầm vóc của người Việt. Hầu hết công trình có phong cách giản dị, khiêm nhường, nhẹ nhàng, khoáng đạt, phù hợp với phong tục, tập quán và khí hậu địa phương. Về tổ chức không gian nội, ngoại thất phản ảnh các quan niệm/ triết lý của nhân sinh, của tôn giáo – tín ngưỡng và truyền thống của các dân tộc [1]. Chính sự thống nhất trong đa dạng nêu trên đã tạo nên một trong những đặc điểm riêng có, cũng là tính truyền thống của kiến trúc Việt Nam.

Hệ khung gỗ cổ truyền trong Nhà thờ Phát Diệm – (Nguồn: Vũ Đức Phương)

Ngoài kiến trúc truyền thống của người Việt chiếm đa số, còn có một số mảng kiến trúc có đặc điểm, tính chất tương đối khác lạ như kiến trúc của dân tộc Chăm, kiến trúc Khmer. Chúng ta hiện còn hơn 40.000 di tích, trong đó có khoảng 10.000 di tích cấp Tỉnh, 3.610 Di tích cấp Quốc gia, 128 Di tích cấp Quốc gia đặc biệt, 8 Di sản Văn hóa và thiên nhiên Thế giới [2]… Hầu hết các công trình kiến trúc truyền thống quan trọng, có giá trị đã được xếp hạng di tích theo các cấp, được đưa vào danh mục theo dõi, bảo vệ, đầu tư tu bổ, bảo quản, phục hồi.

  • Kiến trúc thuộc địa Pháp

Trong quá trình thiết lập bộ máy đô hộ tại Việt Nam, người Pháp đã xây dựng nhiều công trình phục vụ chính quyền, hầu hết các công trình quan trọng đều được các KTS Pháp thiết kế từ chính quốc đưa sang. Trên nền tảng kiến trúc Châu Âu, nhiều xu hướng kiến trúc đã phát triển mạnh mẽ đặc biệt vào giai đoạn sau này như phong cách Đông Dương, bản địa hóa các chi tiết trang trí của phong cách Art Decor, Tân cổ điển…

Sự hình thành, phát triển của kiến trúc thuộc địa Pháp tại Việt Nam không chỉ mang tính một chiều thông qua việc du nhập các yếu tố hiện đại phương Tây vào Việt Nam, mà dần dần, các giá trị văn hóa truyền thống Việt Nam cũng tương tác, ảnh hưởng ngày càng rõ nét trong các công trình từ những năm 1925-1945. Các thành phần kiến trúc được khai thác sử dụng và biến tấu phong phú. Nhiều KTS Pháp thiết kế ở Đông Dương trong những năm này đã tiếp cận và khai thác kiến trúc bản địa thay vì thuần cổ điển châu Âu ở các giai đoạn trước. Mức độ thành công của mỗi công trình còn khác nhau, nhưng thực tế cho thấy chúng đã khẳng định một hướng đi riêng trong giai đoạn phát triển mạnh mẽ kiến trúc và đô thị Việt Nam. Phong cách Đông Dương đã có ngôn ngữ riêng, kết hợp thành tựu công nghệ và văn hóa Pháp với truyền thống văn hóa và kiến trúc bản địa. Mặc dù trên nền tảng chính là kiến trúc phương Tây, nhưng với sự tham gia của các thành phần kiến trúc bản địa, phong cách Đông Dương đã làm nên nét đặc thù của kiến trúc thuộc địa mang dấu ấn Việt Nam.

Viện Đại học Đông Dương – (Nguồn: Trung tâm Lưu trữ Quốc gia)
  • Kiến trúc giai đoạn 1954-1986 phía Bắc

Trong giai đoạn 1954-1975, đất nước bị chia tách thành hai miền, với hai chế độ chính trị khác nhau. Việc phát triển kiến trúc và đô thị, do đó diễn ra trong những điều kiện và hoàn cảnh rất khác nhau. Giai đoạn 1975 đến khi đổi mới năm 1986 là giai đoạn cả nước tập trung khắc phục những hậu quả nặng nề của chiến tranh, việc kiến thiết, xây dựng mới không có nhiều bước ngoặt, dấu ấn lớn. Giai đoạn 1954-1986 còn đặc trưng bởi nền kinh tế bao cấp ở miền Bắc, và 1975-1986 ở miền Nam. Năm 1986 đánh dấu thời điểm nền kinh tế mở cửa, kiến trúc và đô thị cả nước bắt đầu thay đổi mạnh. Do đó, nghiên cứu không chia tách thành hai giai đoạn mà nhập chung thành một giai đoạn từ 1954-1986 để kiểm kê, xác định các đặc điểm, giá trị của kiến trúc cả giai đoạn này.

Sau năm 1954, một trong những nhiệm vụ cấp bách của miền Bắc là cải tạo và xây dựng đô thị, cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất và đáp ứng các nhu cầu thiết yếu. Các công trình trụ sở, trường học, công trình văn hóa, khách sạn được xây dựng mới, tạm thời đáp ứng nhu cầu của cuộc sống mới, góp phần chỉnh trang làm đẹp thêm cảnh quan các đô thị. Giai đoạn 1965-1975, Hà Nội vừa sản xuất, vừa chiến đấu, hầu hết các bộ phận sản xuất, cơ quan hành chính đều sơ tán. Các công trình kiến trúc, vì thế, không có điều kiện xây dựng nhiều. Tuy nhiên, Liên Xô đã viện trợ, thiết kế hai CTCC lớn và có ý nghĩa là Đại học Bách khoa Hà Nội và Lăng chủ tịch HCM. Đại học Bách khoa Hà Nội là công trình đầu tiên thể hiện rõ nét xu hướng kiến trúc Hiện đại. Về nhà ở, khu tập thể Kim Liên được xây dựng trong những năm 1960-1963 đánh dấu lần đầu tiên nhà ở được bố trí theo hình thức tiểu khu, có nhóm nhà, có hệ thống nhà trẻ, mẫu giáo, trường học với sân vận động, cửa hàng bách hóa. Thời kỳ 1966-1975, công nghệ lắp ghép tấm lớn từ Liên Xô giúp các căn hộ có thiết kế đa dạng hơn, được triển khai hàng loạt tại các khu Trung Tự, Khương Thượng, Giảng Võ, Vĩnh Hồ, Thành Công…

Từ năm 1975 đến 1986 là giai đoạn kết thúc chiến tranh, đất nước thống nhất, cũng là giai đoạn đất nước gặp vô vàn khó khăn. Tuy nhiên, miền Bắc bước vào một thời kỳ mới với niềm vui chung khi hai miền cũng về chung một mái nhà. Ngành kiến trúc – xây dựng đã có sự giao thoa, học hỏi kinh nghiệm giữa các miền. Ảnh hưởng của trào lưu kiến trúc Hiện đại, chủ nghĩa Thô mộc đã trở thành một xu hướng của kiến trúc miền Bắc thời kỳ đó.

  • Kiến trúc giai đoạn 1954-1986 phía Nam

Sau hiệp định Geneva được ký kết ngày 20/07/1954, Việt Nam chia thành hai miền Nam – Bắc. Miền Nam phát triển theo mô hình Tư bản chủ nghĩa, do Mỹ và các nước phương Tây ủng hộ. Giai đoạn 1954-1975 chứng kiến sự phát triển vượt bậc của hoạt động kiến trúc và xây dựng tại miền Nam Việt Nam, đặc biệt là đô thành Sài Gòn và những đô thị như Đà Nẵng, Đà Lạt, Cần Thơ. Các công trình có qui mô to lớn, mang sắc thái hiện đại được xây dựng với số lượng vượt trội so với thời kỳ trước đó, do các KTS người Việt và một số hãng kiến trúc quốc tế của Mỹ, Nhật, Hàn, Úc,.., thiết kế. Với viện trợ từ Hoa Kỳ, chính quyền Việt Nam cộng hòa khi đó đã đề xướng và triển khai nhiều chương trình quốc gia đại quy mô về kiến thiết trên diện rộng, nhằm phát triển kinh tế và nâng cao đời sống văn hóa, xã hội. Từ đó, diện mạo kiến trúc hiện đại miền Nam trở nên khởi sắc, chịu ảnh hưởng của kiến trúc hiện đại thế giới song vẫn có dấu ấn bản địa riêng của Việt Nam.

Giai đoạn phát triển nổi bật nhất của kiến trúc hiện đại miền Nam chính là trong những năm 1960. Số lượng KTS dần tăng lên với thế hệ mới tốt nghiệp từ trường Kiến trúc Sài Gòn. Các công trình nổi bật như: Thư viện Quốc gia (nay là Thư viện Khoa học tổng hợp), Dinh Độc Lập, Trường đại học Y khoa Sài Gòn, Trường trung học kiểu mẫu Huế (nay là Trường đại học Sư Phạm Huế)…

Từ 1975 đến 1986, Việt Nam chuyển sang thời kỳ bao cấp dưới nền kinh tế kế hoạch hóa. Sự thiếu hụt nguyên vật liệu xây dựng, yêu cầu ổn định chính trị – xã hội sau chiến tranh khiến các chương trình tái thiết gặp nhiều trở ngại. Giai đoạn này chủ yếu khai thác các công trình xây dựng từ 1975 trở về trước. Công trình xây mới thường tập trung vào một số thể loại chính như: Nhà tập thể, nhà máy, hợp tác xã, hội trường… Mục tiêu ưu tiên là đạt hiệu quả công năng, tiết kiệm tối đa chi phí, nên tính thẩm mỹ kiến trúc thường không được đặt lên hàng đầu.

  • Kiến trúc giai đoạn 1986 đến nay

Từ sau năm 1986, cải cách kinh tế khiến cho môi trường hành nghề kiến trúc đã trở nên đa dạng hơn, không chỉ có duy nhất một loại khách hàng là các tổ chức nhà nước như trước đây mà xuất hiện thêm rất nhiều chủ đầu tư thuộc khu vực kinh tế tư nhân và nước ngoài. Thể loại phát triển mạnh nhất và dễ nhận thấy nhất là các công trình dịch vụ thương mại, resort và chung cư cao tầng. Từ cuối thập niên 90, loại công trình này đã biến đổi vượt bậc, với quy mô và nhiều cách tiếp cận khác nhau. Đến sau 2010, đã xuất hiện các tổ hợp nhà ở đa chức năng, vừa ở, vừa thương mại – dịch vụ, trường học, bệnh viện, văn phòng…, tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh.
Sự quốc tế hoá nguồn nhân lực kiến trúc có tác động không nhỏ tới sự biểu đạt trong các công trình kiến trúc. Hội nhập quốc tế dẫn đến sự tham gia của các KTS và tổ chức tư vấn nước ngoài vào lĩnh vực kiến trúc xây dựng Việt Nam. Tính cạnh tranh và đa dạng của môi trường hành nghề đem lại cả kết quả tích cực và tiêu cực. Về mặt tiêu cực, xuất hiện một số tác phẩm kém chất lượng hoặc đi ngược thời đại như phong trào làm công trình giả cổ, nhại cổ, Thậm chí, có ý kiến cho rằng: “Đã có sự thâm nhập lần 2 của kiến trúc Pháp vào Việt Nam” [4]. Tuy nhiên, nét tích cực là nhiều KTS Việt đã chọn hướng đi mới đáng khích lệ bằng việc học hỏi từ truyền thống, phát huy tri thức của tiền nhân. Họ tìm ra những con đường sáng tác mới, dựa trên những nền tảng văn hóa kiến trúc của dân tộc và những điều kiện của địa phương, phát huy được thế mạnh hiểu biết về bối cảnh bản địa của mình so với các KTS nước ngoài, đồng thời thêm vào cho kiến trúc Việt Nam những sắc màu mới mẻ. Xu hướng này ngày càng lan tỏa, với nhiều sáng tạo, tìm tòi mới, đạt nhiều giải thưởng quốc tế, cùng sự ghi nhận của công chúng và giới nghề.

3. Rà soát, đánh giá các công trình có giá trị của từng giai đoạn

Trên cơ sở rà soát, khảo cứu tư liệu, kết hợp khảo sát kiểm chứng một số công trình quan trọng, nghiên cứu đã kiểm kê và xác lập danh mục các công trình kiến trúc có giá trị của từng giai đoạn:

Bảng 1: Số lượng các công trình quan trọng / có giá trị cao được các nhóm nghiên cứu đề xuất lập danh mục
(Nguồn: Đề tài VH.02.02/22-28)

Để tiến hành khảo sát kiểm chứng kỹ hơn, đồng thời thu thập, xây dựng bộ dữ liệu tương đối đầy đủ về các công trình tiêu biểu của từng giai đoạn, nghiên cứu đã xây dựng bộ tiêu chí chung (phần chính / cốt lõi) đánh giá, lựa chọn các công trình tiêu biểu về giá trị truyền thống / có khai thác yếu tố truyền thống. Trên cơ sở các tiêu chí giá trị chung, từng nhóm nghiên cứu của 5 giai đoạn tiếp tục bổ sung, vi chính các tiêu chỉ và chỉ tiêu (phần mở rộng) để phù hợp với đặc điểm, tính chất kiến trúc của giai đoạn nghiên cứu tương ứng. Phương pháp này cho phép đạt được mức độ đánh giá giá trị tương đối đồng nhất giữa các giai đoạn, đồng thời vẫn làm nổi bật các giá trị riêng có của từng giai đoạn theo các tiêu chí riêng, đặc thù.

Kết quả lựa chọn các công trình kiến trúc truyền thống tiêu biểu (đối với nhóm Kiến trúc truyền thống), công trình khai thác giá trị truyền thống (đối với 4 nhóm còn lại) là cơ sở để triển khai khảo sát kiểm chứng, thu thập dữ liệu chi tiết, phân tách, tổng hợp và xây dựng

Lưu ý: Do qui mô nghiên cứu và thời gian, mỗi giai đoạn được xác định chọn khoảng 10 công trình có giá trị tiêu biểu nhất theo tiêu chí khai thác, ứng dụng yếu tố truyền thống. Do đó, tùy theo đặc điểm của kiến trúc từng giai đoạn, danh sách lựa chọn có thể khác danh sách các công trình tiêu biểu về nghệ thuật kiến trúc của từng giai đoạn.

4. Khai thác, phát huy giá trị kiến trúc truyền thống trong kiến trúc Việt Nam đương đại

Kinh nghiệm khai thác, phát huy giá trị kiến trúc truyền thống Việt Nam trong kiến trúc mới đã được nhìn thấy từ nửa đầu thế kỷ 20. Trong bối cảnh cuộc giao lưu và tiếp biến với văn hóa phương Tây thời cận đại, cho đến trước những năm 1940- người Pháp (H.Parmentier, L.Bezacier,..) đã quan tâm nghiên cứu (khảo sát, vẽ ghi) các kiến trúc truyền thống tiêu biểu của người Việt (đình, chùa) mà họ gọi là “kiến trúc bản địa”. Trên cơ sở đó, các KTS Pháp và Việt đã tiếp thu, đưa vào chi tiết trang trí trong một số công trình theo phong cách Art Decor, hoặc hơn nữa là chuyển hóa thành phong cách Đông Dương (tức là bản địa hóa hình thức các công trình kiến trúc kiểu phương Tây do người Pháp đưa sang xây dựng ở Việt Nam – mà trước đó trong kiến trúc dân gian chưa từng có) [4].

Từ gần 50 năm trước, ngay sau khi đất nước thống nhất, các KTS thế hệ thứ nhất được đào tạo từ Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, khi đó nhận trách nhiệm gánh vác nền kiến trúc Việt Nam trong thời kỳ mới, độc lập – thống nhất, đã sớm coi trọng tính dân tộc trong kiến trúc hiện đại. Kiến trúc Việt Nam luôn đề cao sự tôn trọng và hài hòa với môi trường, văn hóa và đời sống bản địa. Yếu tố “hiện đại” lúc này được đặt cạnh yếu tố “bản địa” để trở thành một trào lưu / một xu hướng thiết kế mới được gọi tên “Hiện đại – Bản địa”. Ở nước ta, xu hướng này được khởi đầu ở miền Bắc từ những năm 1960 và ở miền Nam từ trước 1975 với tên gọi “Kiến trúc hiện đại nhiệt đới hoá” [5]. Đó là, đúc rút từ kiến trúc truyền thống những nguyên tắc cốt lõi về tỷ lệ, sử dụng vật liệu địa phương, về bố cục hình khối chặt chẽ theo công năng, điều kiện địa hình và thời tiết khí hậu địa phương… để đưa vào công trình hiện đại. Xu hướng này được nhiều KTS coi như một trong những hướng tìm tòi đúng và có nhiều triển vọng, không chỉ từ những thập kỷ trước mà đến hôm nay vẫn còn nhiều giá trị.

Việc phát huy tiếp biến giá trị kiến trúc truyền thống Việt Nam chủ yếu mới dừng ở những thử nghiệm của một số KTS đơn lẻ, chưa tạo thành một trào lưu mạnh mẽ để khẳng định tính tự lập, tự cường và phát huy tinh thần bản địa, giá trị truyền thống trong kiến trúc đương đại Việt Nam. Thủ pháp sáng tác chủ yếu là khai thác những biểu hiện hình thức, hoặc tệ hơn là sao chép, cóp nhặt những kiến trúc của quá khứ mà chưa làm rõ được “tinh thần Việt” trong các công trình kiến trúc như cách mà người Nhật đã làm được trong kiến trúc đương đại của họ. Tình trạng “nệ cổ” và nhái lại các hình thức kiến trúc xưa cũ ở khắp các vùng đô thị và nông thôn, nhất là tại miền Bắc đã và đang trở thành một căn bệnh trầm kha không dễ giải quyết ngày một ngày hai. Nếu không có định hướng kịp thời thì có nguy cơ kéo lùi nền kiến trúc dân tộc, hoặc đưa nó vào trạng thái trì trệ không lối thoát. [6]

Trong cuộc sống đương đại, nói đến truyền thống thường là nói đến giá trị của nó. Giá trị của truyền thống được hiểu là những yếu tố của truyền thống còn có giá trị và có thể phát huy ở thời hiện tại. Truyền thống được lưu truyền, phát triển liên tục sẽ tạo ra bản sắc. Tạo lập bản sắc tức là sáng tạo những sản phẩm văn hóa kế thừa truyền thống, đáp ứng các nhu cầu của con người và xã hội đương đại. Công thức sản phẩm văn hóa truyền thống đương đại được tạo bởi cốt liệu truyền thống và nguồn lực hiện tại, đòi hỏi các KTS vừa thấu hiểu văn hóa và kiến trúc truyền thống, vừa phải không ngừng trang bị và nâng cao năng lực nghề nghiệp của mình, tham gia tích cực vào quá trình duy trì, kế thừa những giá trị truyền thống và tạo lập bản sắc kiến trúc Việt Nam. Để thấu hiểu kiến trúc truyền thống Việt Nam, cần nhận diện những giá trị đích thực có nguồn gốc từ văn hóa dân tộc của kiến trúc truyền thống. [7]

Nhà thờ Ka Đơn – (Nguồn: Vn-a)

Nền kiến trúc Việt Nam tuy có các yếu tố cốt lõi, song chưa được đánh giá, chọn lọc, liên kết, phát triển để có thể tạo lập rõ nét hơn bản sắc trong bối cảnh hội nhập hiện đại. Cần có những nghiên cứu, chính sách, giải pháp khuyến khích, thúc đẩy xu hướng thiết kế theo hình thức hiện đại trên cơ sở kế thừa các yếu tố truyền thống Việt, kết hợp chọn lọc tinh hoa kiến trúc thế giới và áp dụng những công nghệ tiên tiến, bền vững, tiết kiệm năng lượng, kiến tạo môi trường sống ngày càng bền vững hơn, đậm tính nhân văn và bản sắc Việt Nam. Các bài học kinh nghiệm quốc tế của kiến trúc thế kỷ 20 và đầu thế kỷ 21 đã được tổng kết và khẳng định: Chỉ có bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống mới tạo lập được bản sắc kiến trúc và đô thị.

Nội dung khai thác, phát huy giá trị truyền thống trong kiến trúc Việt Nam được bố trí trong giai đoạn hai của nghiên cứu. Bộ dữ liệu được chiết xuất từ công tác khảo cứu, khảo sát kiểm chứng, phân tích, đối sánh với các công trình có giá trị đã được chọn lọc, nghiên cứu hướng đến đề xuất các nguyên tắc và khuyến nghị tham khảo, là cơ sở cho sáng tạo, đổi mới trong kiến trúc Việt Nam đương đại. Để tăng tính ứng dụng, nghiên cứu hướng đến định hướng cụ thể cho 5 loại công trình phổ biến: 1/ Nhà ở; 2/ Công trình văn hóa / công trình tôn giáo; 3/ Công trình hành chính; 4/ Công trình giáo dục; 5/ Công trình nghỉ dưỡng.

Trong giai đoạn ba, nghiên cứu gợi mở một số hướng phát huy, làm mới (được diễn giải theo hướng đổi mới) tính / yếu tố truyền thống trong phát triển kiến trúc và đô thị đương đại, theo 5 lĩnh vực: 1/ Kiến trúc công trình; 2/ Kiến trúc cảnh quan; 3/ Kiến trúc nội thất; 4/ Kiến trúc và phát triển bền vững; 5/ Phát triển đô thị. Nội dung cấu trúc hóa sơ đồ lưu trữ dữ liệu và công tác quảng bá, truyền thông về kết quả nghiên cứu cũng được sắp xếp ở giai đoạn này.

Kết luận

Kiến trúc truyền thống của dân tộc chứa đựng những giá trị lịch sử, văn hóa được bảo tồn, lưu truyền và vẫn phát huy được giá trị trong cuộc sống đương đại. Nhận diện và hiểu biết cặn kẽ về kiến trúc truyền thống sẽ giúp chúng ta kế thừa và tiếp tục tạo lập, phát triển kiến trúc Việt Nam. Học hỏi từ những kinh nghiệm của tiền nhân, của các thế hệ KTS đi trước cho chúng ta nhiều bài học có giá trị, để tiếp tục khẳng định những giá trị to lớn của truyền thống, của bản sắc dân tộc, là vốn quý để phát triển nền kiến trúc Việt Nam đương đại giàu thành tựu.

Nghiên cứu đặt ra tham vọng về bộ dữ liệu của 54 công trình được lựa chọn thu thập sẽ là nguồn tư liệu tham khảo hữu ích cho việc khai thác, phát huy giá trị truyền thống trong kiến trúc đương đại. Yêu cầu đặt ra đối với bộ dữ liệu và các kết quả phân tích, định hướng khai thác, phát huy phải được cấu trúc, lưu trữ và quảng bá, giới thiệu đến các KTS, chuyên gia, cộng đồng nghiên cứu trong và ngoài nước thông qua các buổi hội thảo, công bố khoa học, website / cổng thông tin (kết hợp với một dự án độc lập khác). Những giá trị nổi bật của bản sắc, của truyền thống dân tộc cần được biết đến rộng rãi, được vận dụng sáng tạo, góp phần tiếp tục phát triển nền kiến trúc Việt Nam nhân văn, dân tộc và hiện đại.

TS.KTS. Nguyễn Quốc Tuân/ Trường Đại học Phương Đông – KTS. Hoàng Thúc Hào/Trường Đại học Xây dựng Hà Nội
và các thành viên nhóm nghiên cứu đề tài VH.02.02/22-28
1+2 Đồng chủ nhiệm đề tài cấp Nhà nước “Bảo tồn, phát huy, làm mới trong phát triển kiến trúc Việt Nam”
(Bài đăng trên  Tạp chí Kiến trúc số 8-2024)


Chú thích

* Bài viết tổng hợp thông tin từ đề tài “Bảo tồn, phát huy, làm mới trong phát triển kiến trúc Việt Nam – mã số VH.02.02/22-28” do Hội KTS Việt Nam thực hiện, giai đoạn 2022-2024.

Tài liệu tham khảo:

1. Vũ Tam Lang (1991), Kiến trúc cổ Việt Nam, Nhà xuất bản Xây dựng, Hà Nội.
2. Cục Di sản văn hóa (2023), Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Số liệu thống kê di tích năm 2023, Hà Nội.
3. Khuất Tân Hưng (2012), Sự thâm nhập lần thứ hai của kiến trúc Pháp vào Việt Nam , Tạp chí Người Đô thị, TPHCM
4. Trần Mạnh Cường (2022), Biểu hiện tính bản địa trong kiến trúc đương đại Việt Nam. Luận án Tiến sĩ, Trường đại học Kiến trúc Hà Nội.
5. Nguyễn Hữu Thái (2013), Kiến trúc Nhật Bản – Bài học lớn về Kiến trúc hiện đại bản địa cho Việt Nam? Tạp chí Kiến trúc, Hà Nội.
6. Doãn Đức (2021), Xu hướng thể hiện tính truyền thống trong kiến trúc hiện đại Việt Nam. Tạp chí Kiến trúc, Hà Nội.
7. Lê Thành Vinh (2021), Tạo lập bản sắc kiến trúc Việt Nam. Tạp chí Kiến trúc, Hà Nội.