Với mong muốn khuyến khích sự tham gia của các kiến trúc sư trẻ trong hoạt động thiết kế và quy hoạch đô thị, năm nay, Liên hiệp Hội Kiến trúc sư Thế giới (UIA) đã lấy chủ đề Ngày Kiến trúc Thế giới 2024: “Trao quyền cho thế hệ kế tiếp trong Thiết kế đô thị có sự tham gia” – “Empowering the Next Generation in Participatory Urban Design(*)”.

Ngày Kiến trúc Thế giới (WAD), do Liên hiệp Hội Kiến trúc sư Thế giới (UIA) sáng lập năm 1985, được tổ chức hàng năm vào thứ Hai đầu tiên của tháng 10. Ngày này trùng với Ngày Định cư Thế giới của Liên hợp quốc, nhằm gắn kết những nỗ lực của cộng đồng kiến trúc với các mục tiêu phát triển đô thị toàn cầu.

Chủ đề này đặc biệt chú trọng vào việc thúc đẩy nền kinh tế đô thị phục hồi, nơi các thành phố thúc đẩy tăng trưởng và phục hồi thông qua các hoạt động sáng tạo và bền vững. Các lĩnh vực trọng tâm của WAD năm nay bao gồm: Hiệu quả năng lượng, quản lý chất thải, sử dụng vật liệu bền vững và tăng cường tính di động bền vững.

Những nỗ lực này nhằm mục đích tạo ra các thành phố thân thiện với môi trường, giảm sự phụ thuộc vào các nguồn tài nguyên bên ngoài. Các KTS trẻ cũng có thể tăng cường sự tham gia của công dân vào quá trình ra quyết định, thu hút cộng đồng vào quá trình thiết kế và thúc đẩy việc sử dụng và chăm sóc không gian công cộng.

Các KTS trẻ đóng vai trò quan trọng trong:

  • Hình thành môi trường đô thị bền vững và có khả năng phục hồi.
  • Vận động cho công bằng xã hội và các hoạt động bền vững.
  • Tham gia vào quá trình quy hoạch đô thị.
  • Thúc đẩy tái sử dụng và cải tạo các công trình hiện có.
  • Kết hợp các nguyên tắc kinh tế tuần hoàn và các hoạt động xây dựng bền vững.

Sự tham gia tích cực của họ là điều cần thiết để xây dựng các thành phố ưu tiên phúc lợi của cư dân và hành tinh, đảm bảo tương lai bền vững cho các thế hệ mai sau.

Xoay quanh chủ đề này, Tạp chí Kiến trúc đã trao đổi và thu thập ý kiến của một số chuyên gia, KTS trong nước và quốc tế, xin trân trọng chia sẻ tới bạn đọc.

Hội Kiến trúc sư Việt Nam – Thông điệp của Liên hiệp hội KTS Thế giới (UIA) – 2024

TS. KTS Phan Đăng Sơn
Chủ tịch Hội KTS Việt Nam

 

Chủ đề “Trao quyền cho thế hệ trẻ trong thiết kế đô thị có sự tham gia”, do UIA đề xướng vào Ngày Kiến trúc thế giới 2024. Chúng ta đều biết, trên thế giới hiện nay vấn đề phát triển sống còn của trái đất chính là mức độ đáp ứng bền vững. Để đáp ứng hiệu quả thiết thực cho quy hoạch – kiến trúc đô thị, việc này sẽ góp phần giải quyết các vấn đề: Làm sao hình thành môi trường đô thị bền vững và có khả năng phục hồi; vận động được công bằng xã hội với các hoạt động thích ứng; hiệu suất cộng đồng tham gia chủ động và hài hòa vào quá trình quy hoạch và tạo dựng đô thị; thúc đẩy và phát huy trong sự ưu tiên khai thác sử dụng hợp lý hiệu quả những công trình đã có; phát triển kinh tế tuần hoàn gắn chặt với các hoạt động xây dựng nhằm tối thiểu hóa rác thải khí thải.

Hội KTS Việt Nam cho rằng: Thông điệp UIA đã góp phần thức tỉnh chung nhân loại với việc đột phá một đường hướng có nhiều hi vọng hơn cho sự phát triển khả thi bền vững. Việt Nam, trong thực tế triển khai quy hoạch và thiết kế đô thị giai đoạn gần đây cũng đã khai mở theo hướng này, với chủ trương chính sách đã đặt ra cách tiếp cận mới, mà lực lượng chuyên môn trẻ không thể không tham gia, vì chính họ mới là lực lượng chủ công, hiểu sâu sắc và vận dụng đúng nguyên lý – giải pháp phát triển bền vững trong sáng tạo. Bên cạnh đó, sự tham gia của cộng đồng theo tinh thần “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra’’ đang phát huy mạnh mẽ, với những tác dụng cụ thể cũng đã theo tinh thần đó. Tất nhiên, do tính chất phức tạp và cách làm vẫn chưa gắn với định lượng cụ thể, nên kết quả vẫn còn hạn chế.

Mong là, với thông điệp đúng thời điểm và chuẩn xác này! Giới KTS trẻ Việt Nam cùng cộng đồng sẽ thêm nhiều cơ hội và thế năng nhập cuộc. Để góp phần đưa những sáng tạo mới của mình tích hợp trong dòng chảy không thể cưỡng lại của nhân loại, cũng như Việt Nam: Dòng chảy phát triển bền vững cho đô thị truyền thống, đô thị hình thành mới và cả nông thôn.

Hội KTS Việt Nam luôn sẵn sàng đóng vai trò chủ đạo, là mái nhà chung kết nối, cổ vũ, sẻ chia! Hội kêu gọi cộng đồng kiến trúc, cộng đồng xã hội hãy cùng nhau tiếp tục xây dựng đoàn kết, tập hợp chuyên môn, nhằm cùng đi trên con đường được tiếp thêm ngọn lửa mới này để vươn tới thành công mới!

Hãy để cộng đồng được chủ động trong việc tạo ra không gian của chính họ

KTS Suzanne Bosanquet
Đại diện của Viện Kiến trúc sư Úc tại UIA, Thành viên Khu vực Châu Á – Thái Bình Dương trong Chương trình Kiến trúc Trẻ em.

Thật tuyệt khi thấy Ngày Kiến trúc Thế giới 2024 tập trung vào thế hệ tương lai và thiết kế đô thị. Chất lượng môi trường xây dựng của chúng ta ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống và khả năng phát triển của mỗi cá nhân cũng như cộng đồng. Chúng ta là một thể thống nhất và chúng ta phát triển mạnh mẽ nhờ những kết quả thiết kế tốt.

Việc thu hút thế hệ trẻ tham gia vào quá trình ra quyết định và trao quyền cho họ cũng như những bên liên quan tham gia vào quy hoạch và thiết kế đô thị là điều thiết yếu. Họ chính là tương lai của chúng ta, và tiếng nói của họ có vai trò quan trọng trong việc tạo dựng và định hình tương lai: Một tương lai mà chính họ mong muốn. Việc để cộng đồng được chủ động trong việc tạo ra không gian của chính họ là việc rất cần thiết cho những kết quả quy hoạch tốt, cho sự hòa nhập và cho sức khỏe tổng thể của chúng ta. Để thực hiện được điều đó, việc giáo dục trẻ em để hiểu tầm quan trọng của một môi trường xây dựng cần được cân nhắc kỹ lưỡng, mang tính hòa nhập và dựa trên các nguyên tắc thiết kế tốt về 3 trụ cột ESG (Environment – môi trường, Social – xã hội và Governance – quản trị) là điều vô cùng quan trọng. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và khả năng phát triển của chúng ta.

Môi trường xây dựng là yếu tố then chốt đối với sức khỏe, an toàn, cũng như khả năng phát triển của cá nhân và cộng đồng. Đó là một phần của nền kinh tế tốt. Thông qua việc nâng cao nhận thức và sự tham gia tích cực, chúng ta có thể định hình tương lai và cộng đồng của mình để trở nên bền vững và phát triển mạnh mẽ về văn hóa, xã hội, kinh tế và chính trị.

Vận động cho công bằng xã hội và các hoạt động bền vững

KTS Chu Kim Đức
Đồng sáng lập Think Play Grounds, (được BBC bình chọn Top 100 phụ nữ có ảnh hưởng nhất thế giới năm 2020)

Thông điệp “Trao quyền cho thế hệ kế tiếp trong Thiết kế đô thị có sự tham gia” là cơ hội để các KTS cùng nhìn lại việc thiết kế thành phố dưới góc độ của những người trẻ, thanh niên, trẻ em. Các vấn đề sức khỏe, vấn đề an sinh xã hội, vấn đề môi trường của đô thị hiện đại mà chúng ta đều biết đến và trải nghiệm hàng ngày thực ra có thể giải quyết được rất nhiều thông qua thiết kế đô thị quan tâm hơn đến người trẻ. Nếu thiết kế nhiều sân chơi hơn, trẻ em chúng ta sẽ khỏe mạnh hơn, thanh niên sẽ có các không gian giải tỏa năng lượng và cảm xúc. Thiết kế đường phố an toàn hơn sẽ giảm tai nạn, giảm ô nhiễm. Quá trình thiết kế khuyến khích sự tham gia của cộng đồng, sẽ có nhiều sáng tạo và nhiều sự chung tay hơn. Tôi rất mong muốn chủ đề này sẽ tiếp tục được lan tỏa và thực hành chứ không chỉ là phong trào nhất thời.

Tại Thông điệp ngày Kiến trúc Thế giới năm 2024 cũng nhắc đến việc vận động cho công bằng xã hội và các hoạt động bền vững. Theo tôi, người làm thiết kế đô thị nếu không quan tâm đến công bằng xã hội sẽ tạo ra các thành phố loại trừ một số nhóm người, trở nên không thân thiện. Người đi xe lăn không thể đi vào công viên. Trẻ em không thể tự đi qua đường, không thể chơi trên vỉa hè, trên đường đi bộ. Cây trồng đường phố không đúng chủng loại, không quan tâm đến nhu cầu dưỡng chất và môi trường sống của nó dẫn đến dễ gãy đổ, kém phát triển. Chỉ cần nhà thiết kế quan tâm hơn đến đầy đủ các đối tượng mà thành phố phục vụ thì chúng ta sẽ có các thành phố thân thiện hơn và giải quyết được rất nhiều vấn đề về xã hội, môi trường. Khó khăn có nhiều nhưng đã có những nơi làm được. Thành phố thân thiện hơn cho mọi người cũng chính là thân thiện hơn cho gia đình của chúng ta.

Cơ hội để mang đến những ý tưởng sáng tạo, bền vững

PGS. TS. Lê Thị Hồng Na
Phó chủ nhiệm CLB Kiến trúc xanh Hồ Chí Minh, giảng viên bộ môn kiến trúc, Đại học Bách Khoa Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh

Trao quyền cho thế hệ trẻ để họ được tham gia tích cực vào quá trình thiết kế đô thị ngày hôm nay là một định hướng đúng đắn và rất quan trọng. Thế hệ trẻ là đối tượng chính sẽ sinh sống lâu dài và cũng là người quản lý vận hành tương lai trong các đô thị mà họ được trao quyền tham gia thiết kế hôm nay. Với tư duy mới mẻ và sáng tạo, thế hệ trẻ có khả năng dễ dàng áp dụng công nghệ mới. Khi tham gia vào việc thiết kế đô thị, họ sẽ thúc đẩy ứng dụng công nghệ trong quy hoạch và thiết kế đô thị, giúp tăng cường tính hiệu quả và bền vững của các dự án. Họ cũng là những người giỏi ngoại ngữ và có khả năng tiếp cận, kết nối với các cộng đồng trong nước lẫn quốc tế, giúp các dự án đô thị trở nên toàn diện hơn. Trao quyền cho thế hệ trẻ trong thiết kế đô thị là cơ hội để mang đến những ý tưởng sáng tạo, bền vững và cũng là một cách để xây dựng tương lai tốt đẹp hơn cho cộng đồng.

Thế hệ trẻ cần nhận thức được vai trò, trách nhiệm và tầm quan trọng của mình trong quá trình kiến tạo và vận hành các đô thị bền vững. Từ đó, họ sẽ phải không ngừng học hỏi và nâng cao kiến thức về phát triển bền vững bằng cách tham dự các khóa đào tạo, hội thảo, seminar ở trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, thế hệ trẻ cũng cần tiên phong trong việc tham gia và thúc đẩy các phong trào về bảo vệ môi trường toàn cầu, khuyến khích lối sống xanh và bền vững trong cộng đồng, đồng thời có thể sử dụng các thế mạnh và sức trẻ của mình để truyền thông và giáo dục cộng đồng về môi trường và về quy hoạch đô thị bền vững. Khi có cơ hội, thế hệ trẻ cần tích cực tham gia trình bày quan điểm và ý tưởng mới của mình về thiết kế và vận hành các đô thị thông minh và bền vững cho cộng đồng, cho các tổ chức và cho chính quyền.

Chú trọng đến cân bằng các yếu tố kinh tế, môi trường và xã hội để đô thị phát triển bền vững

TS. KTS. Phan Bảo An
Giảng viên Khoa Kỹ thuật Xây dựng, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật, Đại học Đà Nẵng

Ngày Kiến trúc Thế giới (World Architecture Day) là dịp tôn vinh những người hoạt động trong lĩnh vực kiến trúc và nhắc nhở họ về trách nhiệm, vai trò tham gia đóng góp cho sự phát triển của xã hội. Trong quá khứ, con người luôn tìm kiếm các giải pháp hướng đến việc hoàn thiện và tổ chức không gian sống tốt hơn, tối ưu hơn. Vì vậy mà lĩnh vực kiến trúc luôn được xã hội ghi nhận và đánh giá cao nhờ kiến tạo nên không gian vật chất, tinh thần phục vụ xã hội.

Năm 2024, thông điệp Trao quyền cho thế hệ kế tiếp trong Thiết kế đô thị có sự tham gia (Empowering the Next Generation in Participatory Urban Design) theo tôi hiểu “(i) trách nhiệm nghiên cứu, xây dựng và phát triển các không gian ở (đô thị, nông thôn) trong tương lai cần được trao quyền cho thế hệ trẻ – những người có nhiều cơ hội thể hiện ý tưởng sáng tạo, góc nhìn mới, đột phá với nhiều giải pháp nhạy bén. Bên cạnh đó, (ii) yếu tố tham gia được hiểu là vai trò và trách nhiệm của cộng đồng, người dân thụ hưởng không gian ở cùng đưa ra các quyết định phù hợp phục vụ mục tiêu chính đáng cho cuộc sống của họ là yếu tố then chốt, (iii) giúp dự án gắn với thực tiễn cuộc sống và nhu cầu, nguồn lực, quan niệm, lối sống và văn hóa của người dân địa phương. (iv) Thông điệp này cũng xác định việc kế thừa các giá trị, kinh nghiệm của nhiều thế hệ trước để tạo lập không gian sống bền vững phù hợp với hiện tại và tương lai.

Với những ý nghĩa đó, Thông điệp năm 2024 có thể hiểu là (i) thúc đẩy các hoạt động hợp tác quốc tế và trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực thiết kế kiến trúc của những người trẻ, giữa các thế hệ và cộng đồng xã hội trong việc tạo dựng và xác lập các mục tiêu phát triển không gian ở. Đồng thời (ii) chú trọng đến việc kế thừa các giá trị, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử đặc biệt là kiến trúc mang đậm bản sắc văn hóa địa phương và được xem là (iii) động lực để các kiến trúc sư trẻ – thế hệ kế tiếp – có trách nhiệm và nhận thức rõ hơn về vai trò của mình, cùng chung tay nghiên cứu, thiết kế và tạo ra các sản phẩm hữu ích, thúc đẩy sự tiến bộ trong hoạt động nghề nghiệp… hướng đến một xã hội tốt đẹp, công bằng và phát triển bền vững.

Để thực hiện được những mục tiêu đó, theo tôi, KTS trẻ cần xác định một số vấn đề trọng tâm sau: Một là, không ngừng học hỏi, trao đổi kinh nghiệm trong nước và quốc tế để nâng cao nhận thức và trình độ chuyên môn nghiệp vụ để thực hiện các giải pháp sáng tạo, linh hoạt trong giải quyết các thách thức của xã hội. Hai là, với trách nhiệm tạo dựng không gian sống, các KTS cần xác định và nhận thức rõ trách nhiệm nghề nghiệp đới với cộng đồng thông qua việc cung cấp các thiết kế khoa học, hợp lý, phù hợp với điều kiện kinh tế và nhu cầu thực tiễn cuộc sống. Ba là, chú trọng đến nhu cầu đa dạng của nhiều thành phần trong không gian ở (đô thị, nông thôn) nhất là điều kiện thúc đẩy sự phát triển cân bằng giữa cả thể chất và tinh thần cho cộng đồng thông qua điều kiện sống, môi trường và dịch vụ. Cuối cùng là, không ngừng nghiên cứu và thúc đẩy quá trình xây dựng các dự án đô thị với tầm nhìn chiến lược, chú trọng đến cân bằng các yếu tố kinh tế, môi trường và xã hội để đô thị phát triển bền vững.

Cơ hội để kiến trúc sư trẻ hiểu hơn về phát triển đô thị bền vững

KTS Hà Khánh Hoà
Nghiên cứu sinh Thạc sĩ Pháp ngữ chuyên ngành “Kiến trúc, Đô thị bền vững, Di sản và Lãnh thổ” – Chương trình liên kết ĐH Kiến Trúc Hà Nội & ĐH Toulouse Pháp

Chủ đề của UIA cho ngày Kiến trúc thế giới năm nay là động lực rất lớn thúc đẩy trách nhiệm của thế hệ chúng tôi đối với cộng đồng. Như một lời khuyến khích trực tiếp nhất đối với thế hệ trẻ cùng đóng góp tư duy, góc nhìn về phát triển bền vững, đổi mới và sáng tạo trong thiết kế đô thị từ UIA. Đây cũng là cơ hội để KTS trẻ như chúng tôi có thể học hỏi được những người có kinh nghiệm lâu năm, tiếp thu kiến thức để hình thành nên tư duy thiết kế cá nhân phù hợp với bối cảnh đô thị.

Trong những năm gần đây, phát triển đô thị theo hướng bền vững đang dần trở thành xu hướng, nhưng vẫn còn nhiều thách thức. Các dự án đô thị tập trung vào phát triển kinh tế và hạ tầng mà bỏ qua những yếu tố như bảo vệ môi trường, giảm thiểu biến đổi khí hậu, và duy trì đa dạng sinh học. Trước các vấn đề đô thị đó, tôi nghĩ rằng, không chỉ tôi, mà rất nhiều các bạn KTS trẻ khác mong muốn được góp một phần sức lực của bản thân để xây dựng nên một đô thị bền vững trong tương lai.

Thế hệ trẻ – chủ nhân tương lai của đô thị sẽ mang đến những góc nhìn mới mẻ của thời đại

KTS Âu Thái Sơn
PRISM Creative Giải nhất Cuộc thi Thiết kế Nghệ thuật công cộng Hà Nội 2022, Giải nhất Cuộc thi khuôn viên tưởng niệm Mies van der Rohe, Học viện Công nghệ Illinois, Chigaco

Sự phát triển đô thị là hình ảnh phản ánh thực tiễn nhất về đặc trưng của cộng đồng sinh sống trong đô thị đó. Chúng ta luôn hướng nhìn về những giá trị xưa cũ để lưu giữ lại vẻ đẹp của thời gian. Tuy nhiên, theo tôi, thế hệ trẻ ngày nay mới chính là những chủ nhân tiếp theo của đô thị mà trước đây thế hệ tiền nhiệm đã xây dựng. Họ sẽ mang đến những góc nhìn mới mẻ của thời đại, cách tư duy và quan điểm đúng với nhu cầu thực tiễn của thế hệ tương lai. Vậy nên, việc trao quyền cho thế hệ kế tiếp trong thiết kế đô thị là điều tất yếu để bảo toàn dòng chảy phát triển không ngừng của đô thị.

Việc để thế hệ trẻ chúng tôi có cơ hội để tham gia vào thiết kế đô thị còn nhiều khó khăn. Thiết kế đô thị luôn luôn là một lĩnh vực cần có sự kết hợp của liên ngành, để giải quyết các vấn đề đa chiều khác nhau của cộng đồng, trong đó, khó khăn lớn nhất mà các nhà thiết kế trẻ gặp phải khi tham gia vào thiết đô thị chính là kỹ năng đánh giá, thấu hiểu nhu cầu thực tiễn và khả năng kết nối xử lý vấn đề xã hội của các nhóm cộng đồng đô thị, để sau đó có thể đề xuất một ý tưởng, một thiết kế phù hợp về giải pháp và hấp dẫn về thẩm mỹ.

Đây là một quá trình khó khăn dành cho thế hệ trẻ như chúng tôi nếu như không được sự hỗ trợ của các cấp chính quyền và đồng hành của các thế hệ tiền nhiệm. Song song với đó, các nhà thiết kế trẻ cần nhận được đồng hành, hướng dẫn chuyên môn từ thế hệ đi trước để có thể kế thừa những giá trị tốt đẹp trong thiết kế mà thế hệ tiền nhiệm để lại, đồng thời tiếp biến nó phù hợp với dòng chảy thời đại, vẫn có bản sắc văn hóa nhưng luôn bắt kịp xu thế phát triển của đô thị trên toàn cầu.

(*) Participatory Urban Design: Quy hoạch và thiết kế đô thị có sự tham gia là một cách tiếp cận sáng tạo chuyển đổi các quy trình phát triển đô thị truyền thống sang một mô hình toàn diện và hợp tác hơn. Nó thừa nhận rằng những người sống, làm việc và vui chơi ở các khu vực đô thị nên chủ động định hình môi trường của họ. Quy hoạch và thiết kế đô thị có sự tham gia nhằm mục đích tạo ra các thành phố và khu phố phản ánh tốt hơn nhu cầu, nguyện vọng và giá trị của cư dân bằng cách thu hút các thành viên cộng đồng, các bên liên quan và các nhóm có liên quan vào quá trình ra quyết định. Trước đây, quy hoạch và thiết kế đô thị thường theo cách tiếp cận từ trên xuống, trong đó các quyết định được đưa ra bởi một số ít chuyên gia hoặc các cơ quan chính phủ mà không có sự tham gia rộng rãi của cộng đồng. Tuy nhiên, cách tiếp cận này thường dẫn đến sự phát triển không giải quyết được các nhu cầu và mong muốn cụ thể của người dân địa phương, dẫn đến sự tách biệt, bất mãn và bất bình đẳng xã hội.

Thu Vân
(Bài đăng trên  Tạp chí Kiến trúc số 8-2024)